Cải tạo phát triển đô thị: Cần nỗ lực từ nhiều phía

Thứ bảy, ngày 14/06/2014

Thực trạng đô thị hiện hữu của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đang tồn tại nhiều bất cập cần phải cải tạo, nâng cấp. Bên cạnh đô thị cũ, cần phải đầu tư xây dựng đô thị mới để mở rộng quy mô phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, để đô thị cũ và mới phát triển một cách hài hòa, hợp lý trong không gian đô thị chung của tỉnh và các vùng lân cận cần phải có sự tính toán khoa học trong quy hoạch và xây dựng, tránh tạo ra độ chênh khá lớn giữa hai loại đô thị này.

Những khó khăn, tồn tại

Tại hội nghị hội viên cụm đô thị miền Đông Nam bộ vừa diễn ra ở Bình Dương, ông Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch UBND TX.TDM cho biết, trong những năm qua, Bình Dương đã có nhiều nỗ lực trong quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Bắt đầu từ năm 2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, mục tiêu chung trong phát triển phải theo hướng từng bước văn minh, hiện đại, trở thành đô thị trung tâm của tỉnh, gắn liền với việc hình thành khu liên hợp, các khu công nghiệp lân cận, cải tạo đô thị hiện hữu gắn với đầu tư xây dựng đô thị mới.

 Diện mạo TX.TDM thay đổi nhanh chóng (Ảnh. Trịnh Bình)

Đến nay, quy hoạch chung đô thị Thủ Dầu Một, quy hoạch phân khu chức năng của các phường, xã, quy hoạch đất đến năm 2020 đã cơ bản hoàn thành và đang chỉnh lý để trình phê duyệt. Cùng với đó nhiều khu đô thị, dân cư, thương mại, dịch vụ đã hình thành như Hiệp Thành 1, 2, 3, Chánh Nghĩa, Phú Hòa,

Becamex City Center... và các công trình mang tính tạo lực cũng được xây dựng tạo nên một diện mạo văn minh, hiện đại cho đô thị Thủ Dầu Một. Đô thị Thủ Dầu Một đã có nhiều chuyển biến tích cực và đến đầu năm 2012 TX.TDM sẽ trở thành thành phố. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Tài, so với yêu cầu, vị trí của đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh thì TX.TDM vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế như: hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, không gian đô thị chưa được kết nối giữa thành phố mới và đô thị hiện hữu, quản lý Nhà nước của chính quyền đô thị còn yếu, nếp sống văn minh đô thị còn hạn chế...

Chia sẻ vấn đề khó khăn, tồn tại, đại diện của thành phố Vũng Tàu cũng nhận xét, hiện nay việc quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ở đây còn thuộc nhiều đơn vị khác nhau dẫn đến nhiều bất cập, thiếu đồng bộ trong quá trình thực hiện. Nguồn vốn ngân sách hàng năm bố trí cho thành phố Vũng Tàu còn ít nên đầu tư cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đơn giá đền bù cho các dự án thấp nên dẫn đến sự không đồng thuận trong dân ở thành phố Vũng Tàu khiến một số dự án kéo dài... Còn đại diện của TX.Tây Ninh cũng cho rằng, chức năng đô thị hiện nay chưa được rõ nét, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường phố chật hẹp, hệ thống thoát nước còn kém, không gian đô thị chằng chịt các loại dây điện, công tác quản lý có lúc, có nơi bị buông lỏng, chất lượng quy hoạch còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương thì kết nối giao thông hướng tâm vùng TP.HCM chưa thật tốt, thỉnh thoảng ùn tắc giao thông tại các khu vực “nút thắt cổ chai” như Bình Triệu - ngã tư Bình Phước trên quốc lộ 13, nút giao Kha Vạn Cân - Vành đai 2 - cầu vượt Sóng Thần. Tình hình quá tải về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là sự thiếu thốn về nhà ở công nhân khu công nghiệp tập trung, kết cấu hạ tầng cũng chưa đồng bộ. Năng lực quản đô thị nói chung và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn nói riêng chưa tập trung, công tác quy hoạch còn yếu, một số đồ án không đạt chất lượng...

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo ông Tài, để xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một trong thời gian tới, TX.TDM đã đưa ra các giải pháp chủ yếu như: tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm về nếp sống văn minh đô thị. Chủ động phối hợp cùng các ngành, các cấp trong quy hoạch, kêu gọi đầu tư. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải tỏa mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, quan tâm xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng công cộng. Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền đô thị, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Đồng thời, rà soát các quỹ đất, trụ sở cơ quan chưa được sử dụng hợp lý, chuyển đổi công năng để hiệu quả hơn. Đề nghị các chủ đầu tư bỏ đất hoang phải sớm triển khai...

Đại diện thành phố Vũng Tàu cũng chia sẻ những giải pháp sắp tới như: đẩy nhanh tốc độ xây dựng các căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp, giãn dân trong các khu vực nội thị, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng để nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tập trung phát triển các tuyến giao thông, thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả quỹ đất, bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa về bố cục không gian đô thị. Thành phố Vũng Tàu cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị mang đặc thù của thành phố biển “xanh, sạch, đẹp”, thân thiện và ấn tượng. TX.Tây Ninh cũng đưa ra yêu cầu phải xây dựng cho được đô thị có chất lượng, khả thi cao, xác định mô hình đô thị, lõi đô thị và không gian đô thị phù hợp với địa phương. Cùng với đó là xây dựng một quy chế quản lý đô thị khoa học và xây dựng bộ máy chính quyền đô thị phải đủ mạnh...

K.TÂN