Cái tâm của người ngay!

Thứ tư, ngày 13/04/2011

Những ngày gần đây hầu hết trên các báo đều liên tục có đưa thông tin về việc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) quyết định thu hồi để sửa chữa gần 10.000 chiếc xe mắc lỗi mang nhãn hiệu Innova và Fortuner... Mấy ai biết rằng để có được hành động có hậu này là cả quá trình lên tiếng, đấu tranh trong 5 năm trời của một kỹ sư cơ khí 35 tuổi, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cũng là một cán bộ làm việc cho TMV. Anh tên là Lê Văn Tạch.

Có lẽ những khách hàng Việt Nam đang sử dụng 2 loại xe của Toyota Việt Nam mang nhãn hiệu Innova và Fortuner nên nợ kỹ sư Lê Văn Tạch một lời cảm ơn vì nhờ có sự dũng cảm, kiên trì của anh cuối cùng thì hãng xe nổi tiếng này dù muốn hay không cũng phải công nhận các lỗi kỹ thuật trong sản xuất của mình và thông báo thu hồi xe để sửa chữa, động thái tích cực này đã góp phần hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra cho khách hàng do xe bị lỗi kỹ thuật.

“Biết sai mà không nói là có tội...”, cảm kích thay cái tâm của một người ngay thẳng dám “chấp nhận hy sinh” vì để nói lên được những sơ suất của đơn vị sản xuất mà mình đang làm việc có thể người kỹ sư ấy và gia đình phải đối mặt với bao khó khăn, bất trắc: có thể bị mất việc làm, có thể bị hành hung, đe dọa, bị nhiều người cho là “hâm”, là “dại” vì công việc đang ổn định, thu nhập tương đối cao... Theo anh Tạch, ngay sau khi phát hiện những lỗi kỹ thuật trên 2 loại xe nói trên từ những thời điểm 11-10-2006, 19-1-2009 và 24-11-2010, anh đã gửi nhiều thư từ, văn bản đề nghị khắc phục lỗi để lãnh đạo các bộ phận sản xuất, công ty và thông qua các cuộc họp với mong muốn công ty thu hồi sản phẩm để sửa chữa nhưng không được thực hiện. Không từ bỏ ý định, ngày 17-2-2011, anh Tạch tiếp tục gửi thư đánh động tới lãnh đạo Công ty TMV một lần nữa với lời cảnh báo: Nếu công ty không có động thái tích cực anh sẽ công bố thông tin cho công luận và do lãnh đạo TMV vẫn im lặng nên anh không còn cách nào khác...     

Chúng ta cần biết thêm rằng, trong vài năm qua, các hãng xe hơi trên thế giới đã thu hồi hàng chục triệu chiếc ô tô trên toàn cầu, trong đó dẫn đầu các đợt thu hồi là của Toyota. Hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này đã có các đợt thu hồi xe để sửa chữa từ cuối năm 2009 và kéo dài đến tận đầu năm 2011. Đến cuối năm 2010, hãng đã phải tuyên bố sửa chữa khoảng 6,1 triệu chiếc xe tại Mỹ do lỗi chân ga, thảm lót gây nên tình trạng tăng tốc không thể kiểm soát... Tính bao gồm các thị trường khác như châu Âu, Trung Quốc, Toyota đã thông báo hơn 14 vụ thu hồi trên 10 triệu chiếc xe. Cuối tháng 1-2011, hãng lại cho thu hồi 1,7 triệu chiếc trên thế giới, trong đó có 1,2 triệu chiếc ở thị trường nội địa để kiểm tra sự cố rò rỉ nhiên liệu sau khi có nhiều báo cáo phản ảnh vấn đề này. Tổng cộng trong hơn 18 tháng, Toyota đã thu hồi hơn 12 triệu chiếc xe và cùng với việc phải mất hàng chục triệu USD cho việc thu hồi xe để sửa chữa, Toyota còn phải chịu những khoản phạt lớn kỷ lục...

Những ngày này tuy vui vì được dư luận ủng hộ, TMV đã thừa nhận lỗi trước khách hàng và cơ quan quản lý, được nhiều người khen ngợi, người kỹ sư dũng cảm ấy vẫn khiêm tốn khi nói rằng việc mình làm không có gì ghê gớm... ai có lương tâm cũng hành động như anh. Có thể thời gian tới đây, chuyện công ăn việc làm và cuộc sống của bản thân và gia đình kỹ sư Lê Văn Tạch chưa có gì bảo đảm là sẽ suôn sẻ như cũ vì với việc thu hồi để sửa chữa lỗi kỹ thuật hàng chục ngàn chiếc xe sẽ làm cho TMV hao tốn kinh phí không ít, nhưng nó sẽ không lớn bằng nếu gây ra hậu quả cho khách hàng “vì đã làm ăn thì phải đúng luật chứ không thể vì tiết kiệm bằng mọi cách để giảm chi phí, dẫn đến sản phẩm mất an toàn với người tiêu dùng...” như lời anh Tạch. Thế mới thấy việc làm đúng không phải bao giờ cũng được nhiều người ủng hộ và chấp nhận ngay, thế nhưng như chúng ta thường nói “chân lý bao giờ cũng thắng” nên dù cuộc đời vẫn còn nhiều ngõ ngách, nhiều dư luận, cách nhìn nhận của mỗi người khác nhau nhưng hy vọng rằng những tấm gương, việc làm tốt như của kỹ sư Lê Văn Tạch sẽ được nhiều người ủng hộ và được nhân rộng ra toàn xã hội.

* VÕ HƯƠNG