Cái tâm của một điều dưỡng
Gương mặt hiền hậu, nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, giọng nói nhẹ nhàng, ân cần, chu đáo - đólànhững ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với nữđiều dưỡng Trần Tuệ Nhi (ảnh), Phó Trưởng phòng Điều dưỡng kiêm điều dưỡng Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
(BDO)
Khoa Gây mê hồi sức là nơi người bệnh luôn trong tình trạng cận kề giữa sự sống và cái chết. Mặc dù không trực tiếp thực hiện các kỹ thuật gây mê hồi sức trong phòng mổ, nhưng điều dưỡng Trần Tuệ Nhi luôn tất bật cùng đồng nghiệp chăm sóc người bệnh liên tục đưa vào, đưa ra. Đối diện với những trường hợp bệnh nặng nơi đây, chị bảo rằng, những lúc đó người điều dưỡng càng phải đồng cảm hơn với người bệnh, người nhà người bệnh bởi tình trạng những người được chuyển đến đều khá nặng, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Nếu không cảm thông, đồng cảm với người bệnh và không chịu được áp lực công việc thì không thể tiếp tục được công việc.
Công tác điều dưỡng tại Khoa Gây mê hồi sức hết sức vất vả, đòi hỏi người điều dưỡng phải có kiến thức chuyên môn vững, cẩn trọng từng chi tiết nếu không sẽ khó lường trước được các tình huống xấu có thể xảy ra. Dù làm việc trong môi trường rất căng thẳng, nhưng trong ứng xử với người bệnh, chị luôn sát sao, ân cần, cởi mở và hòa nhã với người bệnh. Chị thường xuyên dành thời gian thăm hỏi, động viên người bệnh để hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng và sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc giúp cho người bệnh yên tâm, tin tưởng khi điều trị tại đây. Hỏi về công việc, chị chia sẻ: “Để làm tốt công tác của người điều dưỡng thì cần phải có sự yêu nghề, có tâm, đạo đức nghề nghiệp cũng như cách ứng xử thân thiện đối với người bệnh. Do đó, trong quá trình công tác tôi luôn tâm niệm “Là người điều dưỡng, phải luôn xem người bệnh như người thân trong gia đình, lấy việc chăm sóc người bệnh toàn diện làm nhiệm vụ trọng tâm, luôn lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, để giúp họ bớt đau đớn, an tâm và hợp tác điều trị”. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa và đồng nghiệp đã giúp mình hoàn thành tốt công việc được giao. Ngoài ra, gia đình cũng là điểm tựa vững chắc để mình yên tâm công tác”.
Có lẽ, chính cái tâm, cộng với lòng yêu nghề đã tạo thêm động lực giúp chị luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”. Kết quả phấn đấu của chị trong thời gian qua ngoài trình độ chuyên môn, tay nghề ngày càng vững, đó còn là sự tin tưởng, quý mến của bệnh nhân dành cho chị. “Tận tâm với công việc, hết lòng chăm sóc, động viên người bệnh như người thân của mình” những lời nhận xét của bệnh nhân, đồng nghiệp dành cho chị sẽ mãi là động lực để chị phấn đấu nhiều hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho mọi người.
H. THUẬN - B.HẠNH