Cái nghĩa láng giềng

Thứ ba, ngày 06/02/2024

(BDO) Khi kinh tế phát triển, một tấc đất, một hàng ranh cũng thành vấn đề khiến cho hàng xóm “hục hặc”. Trước những khúc mắc đó, cán bộ hòa giải ở cơ sở giống như những “nhịp cầu” gắn kết tình làng nghĩa xóm, hàn gắn rạn nứt nhờ giúp mọi người thấy được cái nghĩa, cái tình của hai chữ “láng giềng”.

 Với sự nỗ lực của các hòa giải viên, nhiều "hàng xóm" đã hòa giải mâu thuẫn, bắt tay nhau vui vẻ

 Ông Ba Lắc (Phạm Văn Lắc), Trưởng ban Điều hành khu phố An Lợi, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát, nhớ như in thành tích giúp hai nhà hàng xóm “nhìn mặt nhau” sau thời gian căng thẳng.

Một người trong khu phố An Lợi cho thuê đất để làm cơ sở sản xuất bàn ghế đá. Người thuê không bảo đảm yếu tố vệ sinh môi trường nên bụi đá bay bám lên mồ mã tổ tiên gia đình ông H. ở gần đó; nước thải bốc mùi hôi thối khiến gia đình ông H. bức xúc gửi đơn phản ánh đến khu phố. Để hàn gắn tình làng nghĩa xóm, ông Ba Lắc nhiều lần cùng cán bộ hòa giải khu phố xuống phân tích để chủ đất yêu cầu người thuê đất dọn dẹp vệ sinh môi trường, trả lại hiện trạng ban đầu, không ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Đồng thời, ông Ba Lắc “thân chinh” sắp xếp cho hai đương sự gặp nhau để hòa giải và đã thành công.

 Toàn tỉnh hiện có 589 tổ hòa giải ở cơ sở với 4.250 hòa giải viên. Trong năm 2023, các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận 755 đơn, đưa ra hòa giải đạt 100% và hòa giải thành được 702 đơn, đạt tỷ lệ 93%, tăng 5% so với năm 2023.

Theo ông Ba Lắc, có những vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai trong gia đình, dòng tộc khiến ông phải dành nhiều tháng liền vận động, hòa giải để đương sự tìm thấy tiếng nói chung. Hơn 23 năm làm công tác hòa giải, ông đã gặp nhiều trường hợp khó, tuy nhiên khi các bên nghe phân tích, đặc biệt là thấy được tình làng nghĩa xóm, họ sẵn sàng bỏ qua cho nhau. “Nhờ vậy mà số đơn thư khiếu kiện, khiếu nại lên cấp phường cũng giảm đáng kể”, ông Ba Lắc chia sẻ.

Với bà Bùi Thị Yến Hoa (Trưởng ban Điều hành khu phố Tây, phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An) và các thành viên trong tổ hòa giải, qua phân xử nhiều vụ “lục đục” trong gia đình, tranh chấp ranh đất, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông... họ nhận ra một điều: Cái nghĩa láng giềng trong tâm thức nhiều người là rất nặng. Khi nghĩ đến đó, nhiều người sẵn sàng bỏ qua cho nhau những khúc mắc.

Trong thời gian 5 năm tham gia công tác hòa giải, bà Hoa đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Trường hợp bà nhớ nhiều nhất là khi gia đình ông Trần Văn S. và Nguyễn Văn Đ. “hục hặc” vì mâu thuẫn từ… cái mương nước. Mâu thuẫn đỉnh điểm khi ông S. cầm dao sang nhà hàng xóm đòi “nói chuyện”… Tuy nhiên, nhờ sự vận động của các thành viên tổ hòa giải khu phố, ông Đ. đồng ý đầu tư lại hệ thống cống thoát nước, khắc phục ô nhiễm môi trường. Ông S. cũng nguôi ngoai cơn giận. Kể từ khi mâu thuẫn được giải quyết, hai gia đình lại vui vẻ, không còn ngại ngùng khi gặp nhau… đầu ngõ.

TÂM TRANG