Cái đẹp trong tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hữu Sang

Thứ sáu, ngày 04/09/2015

Với cái tuổi gần 80, nhưng khi nói về nghề dường như độ tuổi ấy với ông không hề già mà trông ông vẫn sung sức, vẫn nói về nghề, về sơn mài bằng cả một trái tim yêu. Ông là một trong những họa sĩ và là nghệ nhân ưu tú hiếm hoi của Hiệp hội Điêu khắc - Sơn mài tỉnh. Nguyễn Hữu Sang được kính nể bởi sự ân cần, chu đáo không chỉ trong truyền nghề mà còn ở trong từng “đứa con” tinh thần qua đôi tay tài ba của mình.

(BDO)

 Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sang trong phòng tranh riêng tại nhà. 
Ảnh: S.ANH

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng phòng tranh tại gia, Nguyễn Hữu Sang “khoe” hiện tại chỉ còn lại 50 bức để ghi dấu cuộc đời làm nghệ thuật của mình. “May mắn cho tôi là có một ngôi nhà đủ rộng để có chỗ cho những đứa con tinh thần của mình ra đời được thể hiện cái đẹp. Và để giữ chúng lại với mình, tôi đưa giá thật cao, đắt quá người ta không mua thì vẫn là của mình, còn khi có người ưng ý tức tác phẩm của mình thật sự có giá trị riêng của nó mà đôi khi thước đo giá cả là chuyện bên lề”, Nguyễn Hữu Sang chia sẻ.

Với sơn mài truyền thống, bức tranh sẽ đẹp theo thời gian bởi những lớp sơn sẽ lộ dần, tạo chiều sâu. Đó chính là cái thú vị của người biết chơi tranh sơn mài. Mỗi người họa sĩ có một phong cách, kỹ thuật tạo nên tính độc đáo của mình. Với Nguyễn Hữu Sang, ông vẫn luôn dành tâm huyết cả đời cho sơn mài bằng phương pháp cổ điển “tả chân” để giữ truyền thống vốn có của một làng nghề. Mọi thứ từ cành cây, ngọn cỏ, hình dáng của người và vật đều được ông tỉ mỉ đến từng chi tiết, tạo ra sự chân vốn có của chúng.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông không bác bỏ những xu hướng thể hiện tranh trong trường phái siêu thực, trừu tượng… nhưng ông vẫn mong muốn có cái gì đó thật bình dị, gần gũi, thật dễ hiểu cho người thưởng lãm. Đơn giản hơn, giữa người họa sĩ và người thưởng lãm tranh có cùng nhìn nhận về cái đẹp. “Những học trò cũ của tôi trong sơn mài truyền thống, giờ chuyển sang trường phái trừu tượng, nhìn tác phẩm của họ chính tôi còn không hiểu họ nói gì, gửi gắm gì, vì thế đôi khi sẽ có những tranh luận đến bất đồng quan điểm về cái đẹp, cái nhìn…”, ông Sang bộc bạch.

Đã một năm nay, đôi tay tài ba ấy không vẽ vì tuổi tác nhưng cái bàn làm việc vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua, với ông đó cũng là cách nhớ nghề, cách để dõi theo những lứa học trò bám nghề, làm nên bản sắc riêng của mỹ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương.

 SONG ANH