Cái cân mà biết nói năng…

Thứ sáu, ngày 20/11/2015

“Cân gian, bán lận” dù đã được các cơ quan chức năng tốn hao công sức, thời gian để xử lý nhưng xem ra ý thức của một số tiểu thương vẫn chưa thay đổi. Mua 1kg nho Mỹ trên đường Lê Hồng Phong, TP.Thủ Dầu Một với giá chỉ có 40.000kg, chị Hồng, làm việc cho một công ty ở Khu công nghiệp Việt Hương (TX.Thuận An) tưởng đâu mua được giá hời. Nhưng khi đem về nhà cân lại, 1kg nho chỉ còn 800g. Rõ ràng, chị Hồng đã bị lừa.

Ở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh hiện nay, chúng tôi thường bắt gặp những xe đẩy bán trái cây với giá rất thấp. Nhưng coi vậy mà không phải vậy, nhiều chủ xe đẩy thường “cân điêu” khi bán cho khách. Một tiểu thương ở chợ Búng (TX.Thuận An) ngán ngẩm cho biết, nhiều người đi chợ mua trái cây của chị đều thắc mắc tại sao giá trong chợ thường cao hơn giá bán ngoài đường. Chị giải thích ngoài việc phải đóng tiền hoa chi, tiền thuê sạp hàng tháng, chị cân đủ, bán đủ nên phải bán đúng giá mới có lời.

Tâm lý người mua vẫn còn chủ quan, ngoài trường hợp “của rẻ là của ôi” lại thêm nạn cân gian dối, móc tiền người tiêu dùng một cách có chủ ý mà họ chưa quan tâm. Các chợ ở Bình Dương hiện nay đều có bố trí thêm cân để đối chứng, nhưng theo anh Nguyễn Văn Tâm, nhân viên quản lý chợ Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) thì rất ít người chịu khó bỏ thời gian để cân kiểm chứng lại. Đại diện Ban quản lý một số chợ cho biết, công tác kiểm tra cân được ngành chức năng tiến hành thường xuyên, nhưng với thao tác đơn giản “vặn nút chỉnh cân” thì người bán vẫn có thể qua mặt người mua từ đơn vị nhỏ 50g. Thậm chí, cân điện tử người ta vẫn có thể chỉnh sửa để ăn gian người mua.

Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài lương tâm của người bán, người mua cũng nên tập thói quen là người tiêu dùng thông minh. Nên đặt câu hỏi đầu tiên là tại sao cùng một mặt hàng lại có sự chênh lệch về giá cả? Người tiêu dùng cũng nên bỏ chút ít thời gian đem hàng đã mua lại chỗ cân đối chứng tại các chợ để vừa bảo đảm quyền lợi cho chính mình, vừa cùng chung tay với các cơ quan chức năng dẹp bỏ nạn “cân gian, bán lận”.

HOÀNG PHONG