Cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
(BDO) Hôm qua (26-5), Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo cải cách hành chính (CCHC) trong các cơ quan Đảng tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023- 2025 và định hướng đến năm 2030. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội thảo.
Quang cảnh hội thảo CCHC trong các cơ quan Đảng tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030
Xây dựng đề án CCHC trong Đảng
Thời gian qua, các cấp ủy, cơ quan, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện CCHC để nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức Đảng. Bằng sự quyết tâm, từng cơ quan, tổ chức Đảng đã có nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao trong thời gian ngắn nhất và đúng các quy định. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong công tác CCHC ở các cấp ủy, cơ quan, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh thời gian qua còn khiêm tốn. Nhiều quy trình công việc, thủ tục còn phức tạp, khi giải quyết còn mất nhiều thời gian…
Xác định rõ quan điểm Đại hội XIII của Đảng về đẩy mạnh CCHC trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế, cơ sở; “nói đi đôi với làm”; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, CCHC và cải cách tư pháp; đẩy mạnh CCHC trong Đảng, khắc phục những thủ tục rườm rà, bất hợp lý, giảm bớt giấy tờ, giảm hội họp; đẩy mạnh CCHC, ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của Đảng là cơ sở quan trọng để Tỉnh ủy xây dựng Đề án CCHC trong các cơ quan Đảng tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đề án này, đến hết năm 2023, trong các cơ quan Đảng sẽ hoàn thành việc xây dựng các quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), quy trình phối hợp và cập nhật lên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh ủy (trừ các quy trình mật) để các cấp ủy, tổ chức Đảng thuận tiện tra cứu, thực hiện. Đến năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết các TTHC liên thông đủ điều kiện được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử. Phấn đấu đến năm 2030, 100% hồ sơ giải quyết các TTHC liên thông đủ điều kiện được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng phương thức điện tử.
Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy xử lý hồ sơ trên nền tảng số. Ảnh: HỒ VĂN
Tạo bước đột phá
Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý xoay quanh việc triển khai các giải pháp thực hiện Đề án CCHC trong các cơ quan Đảng tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030. Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm, Học viện Chính trị khu vực II đã đánh giá cao đề án của Tỉnh ủy Bình Dương. Để thúc đẩy CCHC trong các cơ quan Đảng, đề án cần xác định trước hết trách nhiệm của các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, các Huyện, Thị, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên của các cơ quan trên, trước hết là vai trò của người đứng đầu, để tạo bước đột phá trong các cơ quan tham mưu cấp ủy của Tỉnh ủy và cấp ủy của các Huyện, Thị, Thành ủy.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm, vai trò người đứng đầu trong các cơ quan cấp ủy rất quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình CCHC. Vì vậy, đề án cần xác định rõ vai trò nêu gương, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Đảng trong việc chỉ đạo, tham mưu ban hành kết luận, nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở tỉnh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm nhấn mạnh: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, do đó cần nâng tầm công tác đảng viên của Đảng nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, sát thực tiễn hơn trong giai đoạn cách mạng mới. Đội ngũ cán bộ tham mưu phải có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất có tâm, có tầm.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao cho biết Bình Dương rất quyết tâm CCHC trong các cơ quan Đảng. Thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện xây dựng đề án này nhằm đơn giản hóa TTHC trong các cơ quan Đảng, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các cơ quan Đảng. Mục đích của đề án nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng chất lượng và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong tình hình mới.
Đề án CCHC trong các cơ quan Đảng tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030 tập trung triển khai một số nhiệm vụ để khởi động đề án như xây dựng hoàn thiện các quy trình giải quyết TTHC và thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của các Ban xây dựng Đảng, MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Riêng giai đoạn 2025-2030 sẽ tập trung vào cải tiến các quy trình, xây dựng dữ liệu dùng chung và chuyển đổi số. Về nội dung là cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính Đảng; chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào công tác CCHC… |
HỒ VĂN