Cải cách hành chính: Kết hợp hình thức tuyên truyền truyền thống và hiện đại

Thứ hai, ngày 24/04/2023

(BDO)  Quý I-2023, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền về cải cách hành chính (CCHC), nhất là hướng dẫn cách thức giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng.

 Đoàn viên thanh niên phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện TTHC

 Đa dạng hình thức tuyên truyền

Trong quý I-2023, Sở Nội vụ, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung CCHC, chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực CCHC bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế của địa phương; trong đó tập trung vào sự cần thiết, hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ trực tuyến và nhận hồ sơ qua đường bưu điện.

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nhìn nhận từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung tuyên truyền, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa” liên thông; đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ thường niên trong chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2025. Các cơ quan Nhà nước đã chú trọng công tác tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, toàn xã hội theo đúng kế hoạch tuyên truyền của UBND tỉnh, nhất là các cách làm hay, mô hình hiệu quả trong giải quyết TTHC giai đoạn CĐS.

Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương trong quý I-2023 đã phát hành báo in và truyền thông số hơn 200 tin, bài thời sự, phóng sự truyền hình. Cổng thông tin điện tử của tỉnh cũng đã đăng tải gần 100 tin, bài và hình ảnh về công tác CCHC. Các địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã tuyên truyền mạnh về ứng dụng công nghệ thông tin, cách thức hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản, thực hiện hồ sơ trên môi trường mạng qua các trang mạng xã hội, các ứng dụng trên các thiết bị điện tử thông minh qua Zalo, Facebook, cổng thông tin điện tử của địa phương… Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân chung tay góp sức trong công tác CCHC, CĐS, tiến tới chính quyền số trong tương lai.

Những việc cần làm ngay

Trong quý II-2023, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường các kênh, hình thức, thời lượng, tần suất truyền thông tới cộng đồng. Trong đó, các địa phương, đơn vị cần phát huy hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền truyền thống, trực quan như truyền hình, sách, báo, đài truyền thanh, panô, khẩu hiệu, bảng tin, tờ rơi; kết hợp tuyên truyền trực tiếp qua hội họp, hội nghị, tiếp xúc cử tri, sinh hoạt của các tổ chức xã hội, họp khu phố, tổ nhân dân tự quản...

UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh khai thác các hình thức tuyên truyền hiện đại qua mạng xã hội, trên nền tảng số. Trong công tác thông tin, tuyên truyền chú trọng sự chủ động, kịp thời, chính xác, thiết thực có tính định hướng dư luận trong công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ; chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…

Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, người đứng đầu các địa phương tổ chức hội nghị quán triệt về vai trò, trách nhiệm của báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình ở địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền CCHC, CĐS; thành lập các tổ hướng dẫn tìm hiểu các biểu mẫu TTHC mức độ 3, mức độ 4; cùng với đó là công khai số điện thoại của cán bộ phụ trách để người dân tiện liên hệ giải quyết TTHC…

 Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp xã trong việc phục vụ nhân dân…

 HỒ VĂN - NGUYỄN HIẾU