Cách mạng tháng tám: Vẹn nguyên bài học và giá trị lịch sử - Bài 3
(BDO) Bài 3: Ðồng sức, đồng lòng chiến thắng đại dịch Covid-19
Hơn một năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, tinh thần đoàn kết của dân tộc lại được nhắc đến rất nhiều. Bởi, trong cuộc chiến với Covid-19, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ được phát huy bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân để đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh.
“Bếp 0 đồng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) phục vụ các bữa ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch
Mệnh lệnh trái tim
Từ Trung ương tới địa phương với các bộ, ngành ở các cấp, cùng đoàn thể và toàn dân đang chung tay, góp sức đối phó với đại dịch vốn đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Các tầng lớp nhân dân biểu hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực, hiệu quả; nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hàng trăm ngàn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng ngàn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh. |
Trên tuyến đầu, hàng ngàn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội, công an không quản khó khăn, nguy hiểm đi vào những vùng tâm dịch để cứu chữa cho người dân, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh. Thêm vào đó, đến nay có hàng ngàn chiến sĩ tình nguyện là các y, bác sĩ, giảng viên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở các tỉnh như Bình Phước, Lâm Đồng, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… với trái tim yêu thương, đã đến tiếp sức cho Bình Dương để nhanh chóng đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Ở cơ sở, lực lượng cán bộ, đảng viên đã và đang tiên phong cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn, kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, chăm lo cho nhân dân.
Thấm nhuần quan điểm “chống dịch như chống giặc”, “chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình”, giúp dân là chức năng, là nhiệm vụ chính trị, là mệnh lệnh trái tim của người chiến sĩ, 100% cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tham gia giúp nhân dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết cùng với lực lượng tại chỗ và lực lượng hỗ trợ, đến nay toàn tỉnh đã huy động 12.000 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly tập trung, khu vực điều trị F0, tổ chốt phòng, chống dịch bệnh, tổ chốt khu vực phong tỏa.
“Tình dân tộc, nghĩa đồng bào”
Có thể thấy rằng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Nhà nước đã sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sự chung tay của mỗi người dân, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh. Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của người Việt càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Và những phẩm chất ấy sẽ càng củng cố quyết tâm chiến đấu chiến thắng đại dịch.
Cầm giỏ xách đầy thức ăn mua được với giá 0 đồng ở chợ nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Văn Hơn ở phường Phú Hòa xúc động, nói: “Vợ chồng tôi đều lớn tuổi. Dịch bệnh thất nghiệp nên đời sống khó khăn. Vì vậy, được đi chợ nhân đạo với giá 0 đồng, tôi rất mừng và yên tâm tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”. Chỉ tính riêng Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ đầu mùa dịch bệnh thứ 4 đến nay đã tiếp nhận tiền, hàng hóa của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá hơn 44 tỷ đồng; đồng thời tổ chức các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng trị giá hơn 47,6 tỷ đồng.
Với Công đoàn Bình Dương, những hoạt động hỗ trợ kịp thời đã làm ấm lòng người lao động trong mùa dịch bệnh. Những “Chuyến xe nghĩa tình” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thực hiện với sự góp sức của các tình nguyện viên hỗ trợ công tác vận chuyển đã lăn bánh đến với công nhân lao động khó khăn tại nhiều khu phong tỏa, khu nhà trọ trên địa bàn. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết thời gian qua LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn trong tỉnh đã liên tục tổ chức các đợt trao hỗ trợ cho người lao động khó khăn trong các khu cách ly, phong tỏa bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Hàng trăm tấn hàng hóa nhu yếu phẩm đến với người lao động lúc này không chỉ là sự hỗ trợ kịp thời, ý nghĩa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mà còn là tấm lòng của người cán bộ công đoàn với mong muốn vơi bớt phần nào khó khăn cho người lao động.
Không chỉ xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, lực lượng vũ trang tỉnh còn phối hợp với các ban ngành địa phương tăng cường vận động, kết nối để mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, chung tay, góp sức cùng giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Theo đó, nhiều mô hình như “ATM gạo nghĩa tình quân - dân”, “Phiên chợ online 0 đồng”, “Cửa hàng 0 đồng lưu động”... tặng nhu yếu phẩm thiết yếu đến tay người dân, nhất là các khu phong tỏa, cách ly, những nơi khó khăn lại ra đời. “Quân với dân như cá với nước”, sự giúp đỡ tận tình, tận tâm hết mức trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua càng làm sáng thêm tình cảm sâu nặng, nghĩa tình, trách nhiệm của “bộ đội Cụ Hồ” đối với nhân dân…
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, những bài học quý giá của Cách mạng Tháng Tám đã và đang được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Dương phát huy mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết một lòng của nhân dân, tin rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát, khống chế, đẩy lùi để người dân sớm được trở lại cuộc sống bình yên.
THU THẢO