Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội của doanh nghiệp

Thứ ba, ngày 05/05/2020

(BDO) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nhiều cơ hội lớn đối với sự phát triển công nghiệp (CN) của tỉnh. Hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm doanh nghiệp (DN) cần có chiến lược bứt phá, tạo bước đi vững chắc trong tương lai.

 Sản xuất tại nhà máy Tetra Pak, Khu công nghiệp VSIP II

 Cơ hội

Thời gian qua, định hướng thu hút công nghệ cao trở thành yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng, hiệu quả đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương trong thời đại CN 4.0. Việc Tập đoàn Tetra Pak chính thức đưa vào vận hành tại Bình Dương nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại nhất của châu Âu cho thấy Bình Dương đã và đang là điểm đến của nguồn vốn FDI chất lượng cao.

Giới thiệu về nền tảng công nghệ của Tetra Pak, ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc Điều hành Tetra Pak Việt Nam, nói: “CN 4.0 tạo ra những “nhà máy thông minh”. Trong các nhà máy thông minh với cấu trúc kiểu mô-đun, hệ thống thực-ảo giám sát các quy trình thực tế, tạo ra một bản sao ảo của thế giới thực và đưa ra các quyết định phân tán. Qua Internet vạn vật, các hệ thống thực-ảo giao tiếp, cộng tác với nhau và với con người trong thời gian thực. Với sự hỗ trợ của Internet dịch vụ, dịch vụ nội hàm và dịch vụ xuyên tổ chức được cung cấp cho các bên tham gia chuỗi giá trị sử dụng. Nhờ vậy, chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, vật liệu”. Ông Jeffrey Fielkow cho biết thêm, trong ngắn hạn công ty sẽ tìm kiếm nhà cung cấp địa phương cho vật liệu phụ trợ được sử dụng trong nhà máy. Đối với nguyên liệu thô để trực tiếp sản xuất vẫn sẽ nhập khẩu nhưng theo định hướng tìm kiếm các nhà cung cấp địa phương có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, trước mắt DN Việt cần tuân thủ điều kiện về công nghệ để bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn rất cao mà phía Tetra Pak đưa ra.

Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, việc ứng dụng công nghệ là xu thế tất yếu đòi hỏi DN phải nắm bắt. Hiện nay, nhiều ngành sản xuất của Bình Dương đã tận dụng tốt thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong dịch bệnh Covid-19, ngành gỗ là một minh chứng rõ ràng về cơ hội của ngành xuất nhập khẩu trong cách mạng CN 4.0 khi đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử. Theo đánh giá của ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, cách mạng CN 4.0 góp phần giảm chi phí giao dịch, tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự phát triển đột phá, thúc đẩy phát triển CN… Bên cạnh đó, cách mạng CN 4.0 thúc đẩy sự thay đổi mô thức quản lý, mô thức phát triển nền kinh tế.

Lấy thách thức làm động lực

Theo ông Chang-Hee Lee, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế Việt Nam (ILO), cách mạng CN 4.0 với sự tự động hóa cao độ ở nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là dệt may, giày da, lắp ráp điện tử, dự báo sẽ thay thế một lực lượng lớn lao động phổ thông ở các ngành này. Theo báo cáo của ILO, hiện có hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ. Cụ thể, khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động của Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, CN hóa. Thống nhất cao về quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da Bình Dương, cho biết CN 4.0 đã đặt ra cho DN giày da việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các máy, trên cơ sở đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho DN sản xuất CN. Doanh nghiệp CN giày da đẩy mạnh đầu tư công nghệ, cải thiện hiệu năng, kết nối với nhau sẽ giúp tạo ra hiệu năng tối ưu. “Hiện nay ngành giày da đã có rất nhiều giải pháp mới như cảm biến, phần mềm và kết nối để đem vào kỷ nguyên CN mới. Nếu chúng tôi không bước tiếp thì sẽ bị bỏ lại phía sau”, ông Vũ trăn trở.

Theo dự báo của các chuyên gia, cách mạng CN 4.0 dự báo sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng CN 4.0 sẽ tạo ra những bước đột phá về năng suất lao động và phát triển nhân lực chất lượng cao. DN sẽ đòi hỏi sự thay đổi về trình độ và năng lực của người lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất mới. Điều này cũng đặt ra cho các cơ sở giáo dục của Bình Dương trong việc tạo ra thế hệ lao động trong CN 4.0. Trong khi đó, nhìn thẳng vào thực tế thì hệ thống giáo dục - đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là về chất lượng lao động công nghệ cao. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống giáo dục - đào tạo Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong việc chuyển hướng đào tạo phù hợp với thị trường lao động.

 Trao đổi về vấn đề đào tạo nhân lực, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết nhà trường đang tập trung chuyển đổi một số yếu tố cơ bản từ giáo dục 3.0 sang giáo dục 4.0, cả về đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất. Đặc biệt, trong năm 2020, trường đã đầu tư trung tâm dữ liệu lớn đồng thời dành một phần kinh phí thích đáng để bước đầu xây dựng khuôn viên học tập thông minh, lớp học kiến tạo, xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến để phục vụ đào tạo sinh viên.

 KHẢI ANH