Cách mạng công nghiệp 4.0: Nền tảng sản xuất, quản lý cho thành phố thông minh
(BDO) Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4) đang là xu thế lớn trên toàn cầu, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cơ hội việc làm, cách thức sản xuất và tiêu dùng. Với việc xây dựng thành phố thông minh, nhiều ứng dụng, công nghệ mới sẽ được áp dụng vào sản xuất, quản lý như tự động hóa, di động hóa, robot…
Với CMCN4, nhiều ứng dụng được sử dụng trên các thiết bị di động. Trong ảnh: Ứng dụng thực hành thực tế ảo cho y khoa của trường Đại học Nguyễn Tất Thành, được giới thiệu tại Hội thảo cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vừa qua. Ảnh: HOÀNG PHẠM
* Bà DARCIE PIECHOWSKI, chuyên gia Quản lý chiến lược và Truyền thông IBM Hoa Kỳ: Giải quyết thủ tục hành chính bằng thiết bị di động
Đối với việc triển khai xây dựng thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương, di động hóa sẽ là một trong những hạ tầng công nghệ thông tin cần phải triển khai, qua đó chính quyền và người dân đều được hưởng lợi. Đơn cử, hiện nay việc giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều quy trình, tuy nhiên nếu giải quyết thủ tục hành chính qua thiết bị di động sẽ giảm thiểu được thời gian đi lại của người dân, đồng thời giúp cho các cơ quan hành chính có đủ thời gian để giải quyết các thủ tục hành chính.
Mặt khác, người dân có thể kiểm tra được hồ sơ đang giải quyết đến đâu. Bên cạnh đó, thông qua thiết bị di động, chính quyền có thể thông báo vắn tắt, nhanh đến người dân những chính sách, thủ tục mới… mà không nhất thiết phải qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
* Bà ANA PAOLA HENTZE VEERKAMP, Kỹ sư Dịch vụ điện toán đám mây IBM Mexico: Điện toán đám mây kết nối dịch vụ, dữ liệu
Điện toán đám mây (ĐTĐM) là một trong những công nghệ được triển khai gần đây. ĐTĐM đang dần tạo sự chuyển đổi thị trường trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Với việc sử dụng ĐTĐM doanh nghiệp sẽ triển khai được nhiều ứng dụng, đem lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh như ERP (ứng dụng doanh nghiệp), web (thương mại điện tử), app (ứng dụng di động), giảm chi phí lưu trữ, các giải pháp doanh nghiệp xã hội (thư điện tử, hợp tác, họp trực tuyến…)… Bên cạnh đó, với các thuật toán mới, việc lưu trữ trên ĐTĐM sẽ được bảo mật hơn, giảm được các rủi ro và chi phí bảo mật.
* Phó Giáo sư - Tiến sĩ TẠ CAO MINH, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam: Đổi mới công nghệ và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh
Cuộc CMCN4 sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ. Với CMCN4, viễn cảnh các nhà máy thông minh, trong đó các máy móc được kết nối internet (Internet of Things - IoT) và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ không còn xa xôi nữa.
Trong tương lai không xa, sản phẩm, con người và máy móc sẽ giao tiếp với nhau như trên mạng xã hội. Để duy trì tính cạnh tranh, các nhà máy sẽ phải cung cấp các thiết kế tùy chỉnh và có khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng; sử dụng IoT và các công nghệ khác để số hóa toàn bộ quy trình, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; cùng với đó hợp nhất mạng lưới sản xuất dùng giải pháp quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) dựa trên internet để nhân viên có thể làm việc thông qua mạng; đồng thời dùng robot bán tự động làm việc bên cạnh con người để tăng năng suất và vẫn bảo đảm chất lượng.
Việc phát triển tự động hóa trong sản xuất cần có sự liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước (định hướng chiến lược) - trường đại học, viện nghiên cứu (nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng) - tập đoàn, công ty (nghiên cứu phát triển - R&D).
HOÀNG PHẠM (lược ghi)