Cách học và làm bài môn lịch sử

Thứ ba, ngày 10/04/2012

Sau một năm vắng bóng, môn lịch sử tiếp tục được chọn là 1 trong 6 môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Lúc này, giáo viên bộ môn đang tích cực ôn luyện và hướng dẫn học sinh cách học bài, làm bài để đạt kết quả tốt ở kỳ thi sắp tới. Dịp này, chúng tôi đã gặp và ghi lại những kinh nghiệm trong việc ôn tập cho học sinh (HS) của một số giáo viên giảng dạy môn học này.

Thầy Nguyễn Chí Thuận, trường THPT Dĩ An (TX. Dĩ An): Hướng dẫn học sinh ôn tập ở nhà

Là giáo viên nhiều năm kinh nghiệm, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy thầy Thuận đã sử dụng bản đồ tư duy trong việc ôn thi tốt nghiệp cho HS. Với phương pháp này, HS sẽ hệ thống kiến thức qua sơ đồ một cách logic và các em sẽ nhớ bài lâu hơn. Ngoài ra, thầy còn hướng dẫn cho HS của mình cách ôn tập sao cho hiệu quả. Theo thầy, HS không nên đọc to mà đọc thầm bằng mắt theo 5 bước. Lần 1 đọc nhanh để nắm bắt nội dung cơ bản, xác định các ý chính. Lần 2 đọc chậm hơn để xác định chính xác bài gồm có bao nhiêu ý chính và nắm sơ bộ các ý nhỏ. Lần 3 đọc kỹ bài để xác định chính xác lại các ý chính, nắm cơ bản các ý nhỏ. Lần 4 các em xếp sách vở lại và tự đọc trong đầu để kiểm định lại xem đã nhớ được những gì, có thể tự viết ra giấy cũng được. Lần 5 mở sách tập ra để xem lại toàn bộ, lần này sẽ giúp HS phát hiện được những chỗ còn thiếu sót. Thầy cho rằng, cách đọc, học này sẽ giúp HS nhớ lâu hơn, tiết kiệm được thời gian. Áp dụng cách đọc trên thuần thục qua sơ đồ tư duy các em chỉ mất khoảng 30 phút. Khi học bài các em cũng cần học theo trình tự trong sách giáo khoa, vì các mốc phân kỳ lịch sử trong sách rất quan trọng để các em biết câu hỏi nằm trong giai đoạn nào của lịch sử, tránh học theo kiểu bài nào thích thì học trước. 

Học sinh không khỏi lo lắng vì kỳ thi tốt nghiệp năm nay có cùng lúc 2 môn học bài

Khi thi các em cần nhớ, khi phân tích câu hỏi cần phải xem giới hạn thời gian, không gian, đối tượng và nội dung câu hỏi đề cập đến để tránh trả lời thừa hoặc thiếu. Với những câu hỏi cần tổng hợp kiến thức, các em cần phải xác định rõ xem những nội dung trả lời nằm ở những bài nào. Đề thi có từ 3 - 4 câu hỏi, HS nên làm câu dễ trước, khó làm sau; câu hỏi mang tính học thuộc trước, câu có tính tổng hợp kiến thức làm sau.

Cô Nguyễn Thị Phương, trường THPT Phước Vĩnh (Phú Giáo): Áp dụng nhiều hình thức kiểm tra

Hai năm học qua, trường THPT Phước Vĩnh có tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt trên 98%. Thành quả này có công đóng góp không nhỏ của giáo viên, trong đó có giáo viên dạy sử. Theo kinh nghiệm của cô Phương, ngay từ đầu năm học cô đã lên kế hoạch dạy học và ôn tập cho HS. Trong những giờ lên lớp, bên cạnh cung cấp, khắc sâu kiến thức trọng tâm, cô còn tăng cường kiểm tra HS, đặc biệt là kiểm tra 15 phút với nội dung các bài đã học trong tháng. Ngoài ra cô còn tăng số lần kiểm tra và nội dung bài kiểm giúp các em ôn tập tốt hơn, giáo viên theo dõi và đánh giá được kết quả học tập của HS. Trong thời điểm ôn thi như hiện nay, cô ôn tập, hệ thống lại kiến thức cơ bản cho HS với những câu hỏi gợi mở cho từng nội dung để HS làm quen và tăng cường truy bài các em. Để tránh căng thẳng cho HS, cô áp dụng nhiều hình thức kiểm tra như: kiểm tra miệng, viết, hái hoa dân chủ, HS tự kiểm tra bài nhau. Với những HS yếu cô tách ra một lớp riêng để ôn tập, giao bài học và truy bài tại lớp.

Thầy Lê Hắc Tùng, trường THPT Dầu Tiếng: Kinh nghiệm dạy sử cho HS vùng xa

Do tác động của kinh tế thị trường, HS ngày nay ít chọn thi khối C, các em chỉ học những môn này để đối phó với thi cử. Vậy làm gì để HS thi tốt nghiệp đạt kết quả cao các môn khối C, nhất là HS ở vùng xa? Theo thầy Tùng, ưu tiên hàng đầu là rèn luyện kỹ năng học bài và làm bài cho HS. Cách làm của thầy là tìm những dạng đề, ma trận đề từ các đồng nghiệp để hướng dẫn HS. Khi dạy những nội dung khó, thường có trong các kỳ thi, thầy nhấn mạnh những dạng ra đề, cả thang điểm chi tiết, chú ý cho HS những nội dung dễ mất hoặc dễ kiếm điểm. Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp, giáo viên kết hợp dò bài với ôn tập nhấn trọng tâm kiến thức, nhắc lại dạng đề, cách trả lời, thậm chí cung cấp cho các em luôn câu trả lời cho những câu hỏi khó, mở rộng. Trong quá trình ôn tập, thầy và những giáo viên khác cố gắng biên soạn nội dung ôn tập cho từng buổi dạy. Sau mỗi chương, phần có cả những bộ đề thi thử giúp HS rèn luyện cách làm bài và giáo viên sửa lỗi cho HS. Nhờ đó HS tránh được những sai sót như: lỗi chính tả, vi phạm quan điểm, bỏ sót ý quan trọng, viết lan man...

H.THÁI