Cách chăm trẻ hồi phục nhanh sau Covid-19
(BDO) Thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường khiến trẻ dễ mắc bệnh, nhất là viêm đường hô hấp. Những trẻ sau nhiễm Covid-19, sức đề kháng kém hơn, cộng thêm triệu chứng "Covid-19 kéo dài" khiến hệ hô hấp phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Dịch bệnh vẫn còn, các bệnh truyền nhiễm dự báo có thể gia tăng, khiến "dịch chồng dịch" nên phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ.
Cách làm dịu cơn ho dai dẳng cho trẻ
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, hầu hết trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ, song sau khi khỏi bệnh, một số trẻ có thể gặp những vấn đề như ho kéo dài, đau ngực, khó thở khi gắng sức như tập thể dục. Một số trường hợp bị mất khứu giác, vị giác. "Hội chứng hậu Covid-19" có thể diễn ra từ vài tuần đến vài tháng khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, ăn uống không ngon miệng.
Bác sĩ Kim Thoa chia sẻ thêm, ho dai dẳng rất thường xảy ra ở trẻ sau khi khỏi bệnh trong vòng 3 tháng. Đối với các em từ 6 tuổi trở lên có các triệu chứng hô hấp kéo dài có thể cần xét nghiệm chức năng phổi. Trẻ em có vấn đề về hô hấp do gắng sức có thể cần kiểm tra tim để loại trừ các biến chứng như cục máu đông.
Các vấn đề hô hấp ở trẻ điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Để giảm ho, phụ huynh cho bé uống nhiều nước, ăn các chất lỏng ấm như cháo, súp... sẽ giúp niêm mạc hô hấp dịu đi; dịch tiết đường hô hấp, chất nhầy được tống ra ngoài dễ dàng hơn.
Bác sĩ Kim Thoa thăm khám cho trẻ mắc bệnh hô hấp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Cha mẹ lưu ý không lạm dụng thuốc ho quá mạnh. Những thuốc ho được bào chế từ hóa chất cần uống theo sự thăm khám, hướng dẫn của bác sĩ. Thay vào đó, cha mẹ áp dụng các phương pháp giảm ho từ thiên nhiên, lành tính hơn. Bé từ một tuổi trở lên có thể ngậm nửa muỗng đến một muỗng cà phê mật ong hoặc pha loãng với nước ấm để uống. Lưu ý tuyệt đối không cho các bé dưới một tuổi sử dụng mật ong vì có nguy cơ ngộ độc. Một số bé lớn hơn dùng thêm kẹo ngậm, thuốc ho với thành phần thảo dược thiên nhiên.
Phổi thường là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất sau Covid-19, người bệnh có thể bị suy giảm chức năng hô hấp dai dẳng. Trường hợp bé có những biểu hiện hô hấp, các bài tập hít thở tại nhà để cải thiện chức năng đường hô hấp rất có lợi.
Với trẻ nhỏ, phụ huynh không nên áp dụng những bài tập hít thở của người lớn mà chọn bài tập phù hợp lứa tuổi, tạo không khí vui tươi để bé hào hứng thực hiện. Ví dụ, phụ huynh cho bé nằm ngửa, đặt thú nhồi bông lên bụng của bé và bảo con hít sâu bằng mũi, sau đó đếm từ một đến năm để bé thở ra bằng miệng. Lúc thở ra, thú nhồi bông trên bụng hạ xuống, bé sẽ cảm thấy thích thú và tiếp tục thực hiện. Chơi trò thổi bong bóng bằng ống hút để con tập hít thở cũng là gợi ý.
Bác sĩ Kim Thoa chia sẻ thêm, trong thời gian giãn cách, trẻ thường xuyên ở nhà, không tiếp xúc với môi trường đông người nên ít mắc các bệnh hô hấp. Song vào thời điểm giao mùa, khi xã hội quay trở lại "bình thường mới", dự báo các bệnh đường hô hấp có thể gia tăng. Trong thời gian giãn cách, nhiều phụ huynh vì ngại dịch nên con bị gián đoạn tiêm chủng cần sớm tiêm vaccine cho trẻ. Điều này giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ phòng chống nhiều căn bệnh truyền nhiễm bên cạnh ăn uống đủ dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh...
Kích thích vị giác để tạo cảm giác ngon miệng
Hậu Covid-19, một số trẻ có thể gặp tình trạng mất khứu giác, vị giác kéo dài khiến ăn uống không ngon miệng. Bác sĩ Kim Thoa dẫn nghiên cứu cho thấy, cứ 4 trẻ từ 10 đến 19 tuổi khỏi Covid-19 sẽ có một trẻ bị mất khứu giác. Tình trạng này thường kéo dài khoảng 4 tuần, có một số ít trường hợp có thể đến 6 tháng. Tại Việt Nam hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng một số trẻ vẫn có biểu hiện mất khứu giác và vị giác.
Sau khi khỏi bệnh, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng để lấy lại sức và tăng đề kháng cho trẻ. Mất khứu giác ảnh hưởng đến vị giác nên con chán ăn, ăn kém.... làm cha mẹ rất lo lắng. Bác sĩ Kim Thoa khuyên phụ huynh có thể tập cho con dần lấy lại khứu giác bằng cách hít thở những mùi thơm của quýt, cam, bưởi... Cha mẹ chịu khó chia nhỏ bữa ăn, trang trí thức ăn bắt mắt hơn, khuyến khích con tham gia chế biến các món ăn con ưa thích để trẻ cảm thấy hào hứng hơn khi ăn.
Không khí ăn uống vui tươi cùng gia đình tạo cảm giác ngon miệng hơn cho con. Ảnh: freepik
Ngoài ra, nếu nước bọt tiết nhiều sẽ tạo cảm giác ngon miệng hơn. Khi miệng có đủ độ ẩm, thức ăn có thể lan ra khắp miệng, kích thích các gai lưỡi giúp vị giác tăng lên. Mẹ có thể cho bé nhấm chút nước khi ăn nhưng tránh quá nhiều sẽ khiến bé quá no, không muốn muốn ăn. Một số thức ăn có chút vị chua như rau trộn dầu giấm, canh chua... cũng có tác dụng làm tăng tiết nước bọt, kích thích bé ăn tốt hơn. Bên cạnh đó, nhai chậm cũng tạo điều kiện cho nước bọt tạo ra nhiều.
Phụ huynh có thể chiều theo sở thích ăn uống của con, lựa chọn kết cấu thức ăn đặc, lỏng phù hợp. Thông thường, ăn lạnh sẽ kích thích vị giác hơn ăn nóng, do đó, cha mẹ chỉ nên hâm nóng thức ăn vừa phải; cho con ăn thêm sữa chua, trái cây ướp lạnh... Lưu ý khi bé than lạt miệng, mẹ không nên thêm mắm, muối, đường... quá nhiều để trẻ lấy lại vị giác. Vì nếu nêm nếm mặn có thể ảnh hưởng đến thận, quá ngọt cũng nguy hại cho con.
Phụ huynh nên khuyến khích trẻ vận động theo sức của trẻ. Vận động không chỉ tăng cường sức khỏe thể chất mà còn cải thiện tâm trạng giúp trẻ tránh buồn chán và tăng cảm giác thèm ăn. Mỗi ngày, trẻ có thể tập thể dục nhịp điệu, nhảy dây, chạy bộ... tại nhà trong khoảng 30 phút.
"Đây là những cách có thể kích thích tạo sự ngon miệng hơn cho trẻ trong giai đoạn trẻ tạm thời bị mất khứu giác và vị giác. Điều may mắn là cho đến hiện nay, chưa có trường hợp trẻ mắc Covid-19 nào bị mất khứu giác và vị giác vĩnh viễn được ghi nhận; theo thời gian, trẻ dần sẽ hồi phục ", bác sĩ Kim Thoa nói thêm.
Theo VNE