Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản

Thứ hai, ngày 25/01/2021

(BDO) Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào một thời kỳ phát triển mới, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”…

 Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết: Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện

Từ ngày 25/1-2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội, định hướng tương lai của cả dân tộc.

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Trang tin điện tử Đại hội XIII đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về việc thực hiện các mục tiêu đã được Đại hội XII của Đảng xác định; vai trò, ý nghĩa của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đối với tương lai phát triển của đất nước; những điểm mới nổi bật trong nội dung Văn kiện trình Đại hội XIII cũng như công tác tổ chức phục vụ để đảm bảo cho sự thành công của Đại hội.

- Kính thưa đồng chí, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, xin đồng chí đánh giá tổng quát về tình hình thực hiện Nghị quyết?

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, nỗ lực sáng tạo nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề cho những nhiệm kỳ tiếp theo, thể hiện trên một số điểm lớn: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao (GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm); tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển văn hóa, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3%. Việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực. Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh có kết quả tích cực, nhất là đại dịch COVID-19; thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tạo dấu ấn nổi bật. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt; tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế và có thuyên giảm.

Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch COVID-19; từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta. 

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào một thời kỳ phát triển mới, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tiểu Ban Văn kiện đã họp nhiều lần để chuẩn bị các dự thảo, tiếp đó lấy ý kiến của từng cấp, từng ngành và của toàn thể Nhân dân.

- Xin đồng chí cho biết vai trò, ý nghĩa của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đối với tương lai phát triển của đất nước, dân tộc?

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhìn lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 – 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Đại hội XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Đại hội XIII xác định tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các mục tiêu nêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà Đại hội đề ra là cơ sở hết sức quan trọng để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, vừa đáp ứng được yêu cầu lâu dài, vừa có trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên triển khai thực hiện; tạo thống nhất từ nhận thức cho đến hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ghi dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới. Đồng chí có thể cho biết những điểm mới nổi bật trong nội dung Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần này?

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Trang tin điện tử Đại hội XIII đã thực hiện Tọa đàm trực tuyến Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII thu hút được sự quan tâm và gửi câu hỏi của đông đảo Nhân dân

Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện; quát triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, sự chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn kiện của đại hội đảng bộ các cấp; sự đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài. Các tiểu ban và các cơ quan liên quan đã khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng và phù hợp để hoàn thiện dự thảo các Văn kiện.

Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sự kết hợp trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đã thể hiện được những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với nhiều nội dung mới và điểm nhấn quan trọng, điển hình như:

Về nhận thức, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã phân tích, đánh giá, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Về tầm nhìn, dự thảo Văn kiện đã cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, dự thảo Báo cáo chính trị lần này dành ra một mục riêng là quan điểm chỉ đạo với 5 nội dung quan trọng, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, đã nhấn mạnh không chỉ “kiên định và vận dụng” mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định cần phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc…, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”…

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 – 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với những nội dung mới, quan trọng. Dự thảo lần này đã điều chỉnh, xác định rõ, chuẩn xác hơn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời bổ sung mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Dự thảo lần này đã bổ sung, cụ thể hóa ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

- Đại hội XIII của Đảng sẽ được tổ chức từ ngày 25/1-2/2/2021. Xin đồng chí cho biết công tác tổ chức phục vụ để đảm bảo cho sự thành công của Đại hội, trong đó có công tác thông tin tuyên truyền về Đại hội?

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Công tác tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị sớm với yêu cầu cao; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII đã chỉ đạo chặt chẽ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể; các ban, bộ, ngành và thành phố Hà Nội đã bám sát các nhiệm vụ được phân công, chủ động, trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các công việc được giao nhằm phục vụ tốt nhất cho Đại hội XIII của Đảng.

Đến nay, công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng đã cơ bản hoàn tất theo yêu cầu và kế hoạch đề ra. Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã và vẫn tiếp tục rà soát, hoàn tất, nâng cao chất lượng các khâu chuẩn bị phục vụ Đại hội, như: công tác nhà khách - lễ tân, công tác bố trí phương tiện, công tác thông tin, tuyên truyền, công tác bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn… phục vụ Đại hội.

Đối với công tác thông tin, tuyên truyền về Đại hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn, kịp thời, thường xuyên chỉ đạo triển khai, định hướng công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm đúng tiến độ và đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Chỉ đạo xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, với sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ để chào mừng Đại hội.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng thành lập và đưa vào hoạt động từ ngày 3/10/2020 Trang điện tử “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội XIII” với 6 thứ tiếng Việt, Anh, Nga, Trung, Pháp, Tây Ban Nha. Đã tổ chức khai mạc và vận hành Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng; tổ chức tốt việc trưng bày sách, báo phục vụ Đại hội XIII, sẵn sàng phục vụ yêu cầu thông tin, tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên báo chí trong và ngoài nước một cách thuận lợi, nhanh chóng, chính xác, sinh động và hiệu quả.

Tôi hoan nghênh và đánh giá cao các cơ quan báo chí đã tích cực, trách nhiệm và có nhiều sáng tạo trong tuyên truyền về Đại hội XIII của Đảng; mở nhiều chuyên trang, chuyên mục, chương trình, nhiều bài viết được đầu tư công phu, có chất lượng nội dung tốt, lan tỏa, trở thành dòng thông tin chủ lưu tích cực, tạo bầu không khí xã hội vui tươi, phấn khởi, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước; tạo sự đoàn kết, quyết tâm, cổ vũ, thúc đẩy các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!

Theo dangcongsan.vn