Các trường trung học cơ sở: Tăng cường tư vấn chọn trường, định hướng nghề nghiệp
Học sinh trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương, nhiều học sinh có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệpCuối tháng 5 này, các trường bắt đầu tổng kết năm học 2009-2010. Trong khi học sinh các khối lớp khác hớn hở chờ đón hè đến để nghỉ ngơi sau 9 tháng học tập căng thẳng, thì học sinh khối 9 bắt đầu tăng cường ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng: thi tuyển vào lớp 10. Năm học 2010-2011, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. 70% học sinh sẽ tiếp tục vào học lớp 10 THPT, 30% học sinh còn lại học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) hoặc học trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề (TCCN,DN).
Tăng cường ôn tập
Tuy chủ trương thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã được xã hội chấp nhận, nhưng tâm lý chung các trường THCS vẫn muốn học sinh của trường mình thi đậu vào lớp 10 đạt tỷ lệ cao và điểm thi đầu vào cao. Vì thế, từ tuần này, các trường THCS bắt đầu tổ chức ôn tập cho học sinh ở 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 là ngữ văn, toán và lịch sử. Việc tổ chức ôn tập ngành không bắt buộc, mà đó là nguyện vọng của đa số phụ huynh và học sinh, nên các trường đứng ra tổ chức thực hiện. Thầy Ôn Thiện Phúc, Phó Hiệu trưởng trường THCS Chánh Nghĩa (TX.TDM) cho biết, trường có 99/106 học sinh đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp. Từ nay cho đến khi thi tuyển vào lớp 10, thầy trò bắt đầu tăng tốc ôn tập, môn nào kiến thức học sinh còn chưa chắc thì giáo viên tập trung nhiều hơn để các em đủ sức dự thi.
Thầy Nguyễn Văn Anh, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (Bến Cát) cũng chia sẻ: “Năm nay trường có trên 370 học sinh lớp 9. Sau khi xét số học sinh được công nhận tốt nghiệp, nhà trường tổ chức ôn tập cho những em có nhu cầu ôn ở trường. Trường có thuận lợi là giáo viên nhiệt tình, học sinh có cố gắng, hy vọng các em đạt được kết quả như mong muốn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tới đây”.
Khí thế ôn tập đang diễn ra sôi nổi ở các trường THCS từ thành thị đến nông thôn. Các trường lo lắng cho học sinh, bản thân các em cũng có ý thức học tập hơn trong năm học này. Ôn tập ở trường, tự học ở nhà chưa đủ, nhiều em còn đi học thêm ở những giáo viên có uy tín trên địa bàn. Em Bích Nga, học sinh trường THCS Chánh Nghĩa cho biết: Năm học lớp 9 rất quan trọng đối với tụi em, nên em và các bạn dồn sức cho việc học để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tới.
Trước khi bước vào thời kỳ cao điểm này, hầu hết các trường THCS có tổ chức họp phụ huynh, thông báo kết quả học tập để họ nhắc nhở con em tập trung cao độ cho việc học, nhất là trong học kỳ II vừa qua.
Định hướng chọn trường, chọn nghề
Năm nay là năm thứ 4 ngành GD-ĐT thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Riêng năm học này, dự kiến có trên 11.000 học sinh được công nhận tốt nghiệp. Ngành sẽ tuyển trên 7.800 học sinh vào lớp 10 THPT, tương ứng với 70%, số còn lại sẽ vào học ở các TTGDTX hoặc học TCCN,DN. Vì thế, vào lớp 10 THPT không phải là con đường duy nhất, mà những học sinh có sức học hạn chế có nhiều lựa chọn cho bước đường tương lai tiếp theo. Từ mấy năm nay, các trường cao đẳng (CĐ), TCCN trên địa bàn tỉnh đều có đào tạo học sinh THCS. Riêng năm nay toàn tỉnh có khoảng 2.000 chỉ tiêu học sinh THCS. Để giúp các em lựa chọn trường, ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường, năm nay Sở GD-ĐT thực hiện khá tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Tại lễ hội giáo dục được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, hàng ngàn học sinh từ khắp các huyện, thị đã được nhiều trường CĐ, TCCN tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em. Cũng tại lễ hội này, các em đã được tận mắt nhìn thấy những gì sẽ được học qua các mô hình triển lãm hoặc các máy móc thiết bị phục vụ cho việc học của các trường.
Về phía trường THCS, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, ban giám hiệu các trường và giáo viên cũng thường xuyên tư vấn nên chọn trường nào, ngành nào phù hợp với các em. Thầy Ôn Thiện Phúc còn cho biết: “Tại cuộc họp phụ huynh mới đây, nhà trường đã thông báo sức học của từng học sinh, trên cơ sở đó khuyên phụ huynh nên động viên con em thi vào những trường THPT nào phù hợp hoặc chọn học nghề nếu các em không có khả năng học tiếp”.
H.THÁI