Các trường THPT: Chủ động đổi mới phương pháp dạy theo hướng đổi mới thi

Thứ ba, ngày 27/09/2016

(BDO)

Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 do Bộ Giáo dục -Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra vào đầu tháng 9 vẫn còn đang lấy ý kiến từ các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, trước khi công bố chính thức. Dù vậy, các trường THPT trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi phương pháp giảng dạy, giúp học sinh (HS) làm quen với dạng bài thi trắc nghiệm.


Giờ học môn toán của HS trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: H.THÁI

Theo kinh nghiệm của một số hiệu trưởng mà chúng tôi đã tiếp xúc, thông thường dự thảo phương án thi Bộ GD-ĐT soạn thảo, sau đó sẽ chính thức đưa vào áp dụng, do đó các trường đã chủ động chỉ đạo các tổ bộ môn có hướng thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp. Vì theo lý giải của các hiệu trưởng, nếu nhà trường không có sự chuẩn bị sớm đến khi bộ ban hành quy chế thi chính thức thì sẽ trở tay không kịp. Theo dự thảo phương án thi, thí sinh thi 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ; đồng thời các em lựa chọn 1 trong 2 tổ hợp môn: khoa học tự nhiên gồm các môn hóa học, vật lý, sinh học, hoặc tổ hợp môn khoa học xã hội gồm các môn lịch sử, địa lý và giáo dục công dân. Ngoại trừ môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại đều thi bằng hình thức trắc nghiệm.

Với trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), nhà trường tỏ ra khá nhạy bén với sự đổi mới thi của bộ. Hiện tại nhà trường đang cho HS đăng ký 1 trong 2 nhóm môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Và trong mấy tuần qua, các tổ bộ môn họp liên tục để có kế hoạch, định hướng đề cương ôn môn toán theo hướng thi trắc nghiệm. Cô Nguyễn Thị Ngọc Năm, Phó Hiệu trưởng, cho biết trong quá trình giảng dạy, giáo viên định hướng giúp HS quen dần với dạng bài thi trắc nghiệm. Nhà trường cũng có kế hoạch ra đề kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm. Phương châm của trường là HS học đến đâu nắm chắc đến đó, nên nhà trường cũng đã xây dựng thời khóa biểu theo hướng ôn mới, buổi sáng HS học chính khóa, buổi chiều giáo viên tổ chức ôn tập cho các em. Hiện tại trường đang gấp rút hoàn thiện danh sách lớp theo nhóm môn các em đăng ký, sau đó phân chia theo trình độ và phân lớp ôn cho HS.

Sự chuẩn bị sớm bao giờ cũng thuận lợi cho cả thầy và trò, do đó các trường đang trong tư thế chủ động và sẵn sàng tiếp nhận sự đổi mới. Thầy Đinh Bá Minh, giáo viên dạy toán, trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) nhận xét: “Các môn thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan, trong đó có môn toán thật ra không mới đối với giáo viên, vì chúng tôi đã được tập huấn khoảng 7 năm về trước. Kiến thức, phương pháp dạy giáo viên đã được trang bị, vì vậy sự thay đổi thi từ tự luận sang trắc nghiệm không là chuyện lớn đối với giáo viên, nhưng với HS là lớn, cần phải có lộ trình thực hiện từ khi các em vào lớp 10. Hiện tại từng giáo viên trong tổ bộ môn đã chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm, khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa, tổ toán sẽ đưa ra triển khai thực hiện ngay. Hướng sắp tới giáo viên sẽ cho HS kiểm tra thử bằng hình thức trắc nghiệm. Từ kết quả này giáo viên sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và thay đổi phương pháp dạy để các em học và thi đạt hiệu quả cao nhất”.

Theo dự thảo, nhóm môn khoa học xã hội có môn giáo dục công dân. Trước thông tin này, các giáo viên dạy bộ môn cảm thấy hài lòng, bởi từ trước đến nay môn học này chưa được chọn là môn thi tốt nghiệp. Trong khi đó môn giáo dục công dân dạy HS một hệ thống kiến thức liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị, pháp luật, đường lối, quan điểm của Đảng… và giáo dục công dân còn giáo dục HS về đạo đức, lối sống, giáo dục tư tưởng. Hiện nay, xã hội lo lắng trước thực trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ. Do đó, việc đưa môn này vào kỳ thi quốc gia là cần thiết, phù hợp với tình hình hiện nay. Từ khi có thông tin môn giáo dục công dân sẽ đưa vào kỳ thi, giáo viên tỏ ra phấn khởi và dốc hết tâm huyết giảng dạy, giúp các em nắm chắc kiến thức để đạt được kết quả tốt ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Ngoài những trường sớm xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng đổi mới thi, thì một số trường THPT khác vẫn đang “án binh bất động”, chờ bộ công bố phương án thi chính thức mới bắt đầu triển khai giảng dạy cho HS.

A.SÁNG