Các trường THPT: Chủ động dạy theo hướng đổi mới thi cử

Thứ tư, ngày 05/11/2014

(BDO)

 Giáo viên trường THPT Võ Minh Đức vừa dạy, vừa củng cố kiến thức cho HS lớp 12

Theo đó, học sinh (HS) sẽ thi 4 môn, trong đó có 3 môn thi bắt buộc là: Văn, toán, Anh văn và một môn tự chọn. Những thông tin trên đã được Bộ GD-ĐT công bố từ đầu năm học 2014-2015.

Chủ động giảng dạy

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong khi chờ bộ ban hành quy chế thi, sở đã chỉ đạo các trường phổ thông, đội ngũ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá HS theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực cho HS. Thực hiện đánh giá HS theo hướng dẫn mới của bộ. Đối với giáo dục trung học, ngành tiếp tục đổi mới đồng bộ phương pháp dạy - học và giáo dục; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS theo hướng phát triển năng lực; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức.

Từ chỉ đạo chung của sở, ban giám hiệu các trường THPT trong tỉnh đã có bước chuyển trong việc thực hiện đổi mới thi cử. Không gây áp lực cho HS, đó là chủ trương của trường THPT Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một). Ông Nguyễn Văn Cứu, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, thời điểm này kiến thức các em học chưa hết, không nên tổ chức ôn tập gấp, giáo viên cố gắng truyền đạt kiến thức cho HS theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Hiện tại, trường đã tổ chức tư vấn bước một, giáo viên chủ nhiệm định hướng cho HS chọn môn thi phù hợp, đồng thời tổ chức phát phiếu cho HS đăng ký môn thi tự chọn có sự đồng thuận của phụ huynh. Môn các em chọn thi vừa để xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ xét tuyển sinh đại học.

Tại trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP.Thủ Dầu Một), nhà trường phân hóa HS ở 3 mức: khá - giỏi, trung bình, yếu, trên cơ sở đó để củng cố kiến thức cho HS yếu, giải các dạng bài khó cho HS khá giỏi. Từ đầu năm học trường đã có kế hoạch tổ chức giảng dạy chương trình chính khóa theo chương trình khung của bộ và tổ chức dạy thêm cho những HS lớp 12 có nguyện vọng ôn luyện để vào đại học.

Ở vùng nông thôn, các trường THPT cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch học tập cho HS. Ông Trần Duy Tỵ, Hiệu trưởng trường THPT Tây Sơn (huyện Phú Giáo), cho biết từ khi bộ có chủ trương tổ chức 1 kỳ thi quốc gia, trường đã phân HS theo ban và tổ chức dạy theo phân ban vào buổi chiều. Hiện nay, các em HS có xu hướng chọn thi khối A, A1 và C.

Đề thi trong chương trình lớp 12

Trước những đổi mới trong kỳ thi sắp tới, HS không khỏi lo lắng, vì kết quả thi vừa xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học, nên mức độ đề thi có khả năng sẽ khó hơn. Nhưng theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Trong đề thi vừa có phần nhận biết, thấu hiểu, vận dụng và vận dụng cao, bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh. Đồng thời, đề thi vẫn ra theo hướng mở, HS phải vận dụng kiến thức liên môn để làm bài thi. Ngoài ra, đề thi tiếp tục điều chỉnh phù hợp với chương trình đổi mới sách giáo khoa, tuy nhiên không gây khó nhiều cho HS. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT kết hợp kết quả 4 môn thi và điểm trung bình cả năm lớp 12, đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của các trường đại học, cao đẳng.

Ông Dương Thế Phương cho biết thêm, để HS đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT chủ động tổ chức giảng dạy, ôn tập cho HS lớp 12. Trước mắt, các trường tập trung dạy tăng tiết ở 3 môn thi bắt buộc văn, toán và Anh văn. Ban giám hiệu cũng lưu ý làm tốt công tác tư vấn cho HS chọn môn thi thích hợp để kỳ thi đạt kết quả tốt.

A.SÁNG