Các trường THPT: Chủ động chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia
(BDO)
Năm 2016 Bộ Giáo dục-Đào tạo tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia, kết quả thi vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trong khi chờ đợi hướng dẫn chính thức từ phía bộ, các trường THPT trong tỉnh đã chủ động định hướng và tổ chức các hoạt động giảng dạy hướng đến kỳ thi 2 chung.
Điểm chung ở các trường THPT là có kế hoạch giảng dạy sao cho học sinh (HS) vừa tốt nghiệp, vừa có khả năng đậu vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng. Với trường THPT Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một), từ năm học lớp 11 nhà trường đã tổ chức cho HS chọn môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển đại học. Năm học lớp 12, một lần nữa các em đăng ký lại nhóm môn theo năng lực học tập. Trên cơ sở đó, vào buổi chiều giáo viên bộ môn vừa hệ thống lại kiến thức HS đã học trong buổi sáng, đồng thời tập trung giảng dạy nâng cao theo hướng đại học.
Bước vào đầu năm học, học sinh trường THPT Võ Minh Đức
đã học tập nghiêm túc
Thầy Bùi Đình Đồng, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Tuyền (Dầu Tiếng), cho biết từ đầu năm học nhà trường đã cho các em đăng ký môn học sở trường. Sau đó tăng cường giảng dạy 3 môn bắt buộc là văn, toán, tiếng Anh và 1 môn tự chọn. Giáo viên dạy đến đâu ôn kỹ đến đó và ôn cả những kiến thức các em đã học ở lớp 10, lớp 11. Hiện tại nhà trường yên tâm khi giáo viên bộ môn giảng dạy tận tâm, HS học tập tích cực.
Năm học lớp 12 có tính quyết định cho tương lai, sự nghiệp của HS, nên cả thầy và trò cùng tập trung toàn lực cho việc dạy và học. Với những trường có chất lượng đầu vào thấp như trường THPT Nguyễn An Ninh (TX.Dĩ An), nhà trường càng lo lắng nhiều hơn. Theo Hiệu trưởng Phan Thị Trung, tổ nghiệp vụ bộ môn soạn đề cương và thống nhất kế hoạch giảng dạy. Nhà trường tổ chức dạy trái buổi đối với 3 môn bắt buộc và các môn: lý, hóa, sinh, sử, địa.
Qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, từng trường THPT đã đánh giá, rút kinh nghiệm và thay đổi hoạt động giảng dạy, ôn tập phù hợp với điều kiện của trường và theo năng lực HS. Về phía Sở GD-ĐT, để nâng cao chất lượng các môn thi THPT quốc gia, bắt đầu từ đầu tháng 11 sở tổ chức các buổi hội thảo nghiệp vụ. Qua đó giáo viên bộ môn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trên lớp, phương pháp học và làm bài của HS…
Theo tin từ Bộ GD-ĐT, năm 2016 sẽ tiếp tục tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia. Đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, tăng dần các câu hỏi vận dụng, câu hỏi mở ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Như vậy, đề thi có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015, tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh phù hợp. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, phương hướng tuyển sinh năm tới là tăng tự chủ cho các trường. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các trường đại học, cao đẳng sẽ tự chủ xác định xét tuyển.
Với ngành GD-ĐT, lo lắng trước mắt là chuẩn bị tốt kiến thức để HS đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay sở đã chỉ đạo các trường THPT xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS, tập trung 3 môn văn, toán, tiếng Anh. Giáo viên bộ môn cần bám sát HS, căn cứ vào học lực của các em ở năm lớp 11 và học kỳ I của năm học lớp 12 mà tư vấn các em chọn môn sẽ thi. Định hướng chọn môn cũng là định hướng vào đời cho các em, vì vậy giáo viên cần làm thật tốt việc này.
Năm 2015 tỉnh đã tổ chức tốt công tác tuyển sinh, huy động toàn xã hội tham gia vào kỳ thi như hỗ trợ cho các thí sinh khó khăn, tổ chức cho các em đi thi. Qua đó không có trường hợp thí sinh bỏ thi vì khó khăn. Kết quả, toàn tỉnh có 94,98% HS tốt nghiệp THPT và gần 75% thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Năm nay, với sự chuẩn bị sớm của ngành và từng trường THPT, hy vọng chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ được cải thiện hơn.
A.SÁNG