Các trường đẩy mạnh dạy học trực tuyến

Thứ ba, ngày 21/04/2020

(BDO) Do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã tinh giản chương trình, đồng thời chỉ đạo toàn ngành dạy học trực tuyến và dạy qua truyền hình. Từ chỉ đạo của Bộ và Sở GD-ĐT, các trường đã xây dựng kế hoạch dạy học bằng các hình thức phù hợp. Đây là giải pháp cần thiết, nhằm bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đã được điều chỉnh.


Giáo viên trường THCS - THPT Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) tương tác với học sinh trong giờ học trực tuyến

Dạy và học trực tuyến

Tại TX.Thuận An, theo bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT, các trường rất nỗ lực thực hiện việc dạy học qua internet. Từ trường tiểu học đến THCS đều lên thời khóa biểu cho giáo viên dạy qua zoom, qua thu video, qua Edu vn, E learning... để thu hút học sinh (HS) học tập với số lượng nhiều hơn. Phòng cũng đã gửi những thông tin cần thiết về học trong mùa dịch để Đài Truyền thanh phát sóng, đồng thời phòng cũng ghi âm gửi cho phụ huynh HS chủ động hơn trong việc cho con học tập. Đối với huyện Bàu Bàng, việc dạy học trực tuyến tuy còn mới mẻ, gặp nhiều khó khăn ban đầu, nhưng các trường vẫn cố gắng thực hiện. Phòng GD-ĐT huyện cũng sử dụng nhiều giải pháp nhằm giúp HS tham gia học với nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Triển khai dạy học trực tuyến, các trường đã thực hiện nhiều hình thức dạy và học như dạy học trực tuyến qua zoom, Google meeting, Google class… theo thời khóa biểu dạy học trực tuyến; dạy học thông qua website của đơn vị; tự luyện và kiểm tra, đánh giá thường xuyên qua “Hệ thống trắc nghiệm online” của Sở GD-ĐT; tạo group zalo, messenger; sử dụng các chương trình truyền hình và hệ thống học liệu do Sở GD-ĐT giới thiệu...

Đối với bậc trung học, ông Phạm Văn Tích, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học - thường xuyên Sở GD-ĐT, đánh giá hầu hết các đơn vị đều đã triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy và học trực tuyến theo tinh thần chỉ đạo của bộ và Sở GD-ĐT. Đa số giáo viên và HS tham gia nhiệt tình, tất cả các đơn vị đều có đủ điều kiện để dạy học trực tuyến bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Ở cấp THCS, trên 60% HS tham gia học, cấp THPT trên 80% HS tham gia học. “Qua tuyên truyền, vận động HS có ý thức tham gia học tập theo hình thức trực tuyến ngày càng cao hơn. Về phía phụ huynh, phần lớn cha mẹ HS đều ủng hộ tích cực cho công tác dạy và học trực tuyến, quan tâm đến việc học của con em, thường xuyên cùng HS theo dõi kế hoạch và đôn đốc HS học tập theo quy định của nhà trường. Đội ngũ giáo viên năng động, tiếp cận tốt với công nghệ thông tin, thích ứng nhanh với phương pháp giảng dạy mới, tuy lúc ban đầu còn nhiều lúng túng”, ông Tích đánh giá.

Vẫn còn khó khăn

Do việc dạy học trực tuyến là hình thức mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở một số giáo viên còn hạn chế, nên việc sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến vẫn còn một số khó khăn. Đối với bậc trung học, ông Tích góp ý, nhà trường cần chỉ đạo giáo viên trong tổ bộ môn giúp đỡ những giáo viên gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học online nói chung. Các trường tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, đôn đốc, nhắc nhở HS tham gia học tập đầy đủ, nghiêm túc và có ý thức tốt trong việc chấp hành nội quy, lịch dạy học của nhà trường. Các trường tiếp tục phân công, bố trí thời khóa biểu một cách hợp lý, khoa học hơn để giáo viên và HS thuận lợi trong việc giảng dạy và học tập; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với gia đình HS; đề nghị gia đình quan tâm nhiều hơn nữa trong việc quản lý quá trình học trực tuyến của con em mình. Thầy cô cần nhắc nhở HS phải xem trọng việc học trực tuyến như là học chính khóa, phải tham gia học tập và làm bài đầy đủ, kể cả các bài tự luyện cũng như kiểm tra thường xuyên. Đối với giáo viên, thầy cô có kế hoạch soạn giảng phù hợp cho từng lớp phụ trách, tùy theo năng lực của từng lớp, từng HS; linh hoạt, sáng tạo trong khâu tổ chức hoạt động dạy học tương tác hai chiều, tổ chức tiết dạy giúp HS hứng thú, không nhàm chán. Giáo viên chủ nhiệm tăng cường kiểm tra nề nếp lớp trực tuyến; ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn thường xuyên thăm lớp dạy trực tuyến, chỉ đạo kịp thời, trao đổi với giáo viên về kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả.

Khó khăn nhất trong dạy học trực tuyến là ở bậc tiểu học. Bà Nguyễn Kim Duyên, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TX.Tân Uyên, nhìn nhận đây là hình thức dạy học mới nên giáo viên cũng phải mất thời gian đầu tư; những giáo viên lớn tuổi khó tiếp cận hình thức dạy này. Ngoài ra, dù tuyên truyền nhiều nhưng sự hợp tác của phụ huynh chưa cao vì nhiều lý do, như không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị máy tính cho con học, có phụ huynh đưa con về quê với ông bà; HS lớp 1, lớp 2 rất khó tiếp cận với hình thức học này, việc giáo viên sửa bài, nắm bắt mức tiếp nhận của HS còn mất nhiều thời gian. Dù khó khăn, nhưng giáo viên cố gắng động viên HS học, còn số lượng HS chưa được học thì thầy cô sẽ dạy lại khi HS trở lại trường.

Đối với TP.Thuận An, địa phương có số lượng lớn HS con em lao động ngoài tỉnh, việc dạy học qua internet cho những em này cũng rất khó khăn. Theo cô Mỹ Ngân: “Những em về quê internet không có, thiết bị học không có, các em ở xa trường không gửi bài trực tiếp được, nên vẫn còn hơn 10% HS chưa được học. Các trường cố gắng hết sức nhưng dù sao cũng không bằng dạy trên lớp. Những em này khi trở lại lớp thầy cô phải phụ đạo riêng, cung cấp những kiến thức cơ bản nhất để các em theo kịp chương trình”.

Mong dịch bệnh Covid-19 qua mau để thầy trò trở lại trường lớp, ổn định việc học tập. Đó là mong mỏi của toàn ngành nói chung và của HS, phụ huynh HS trong tỉnh. Trong khi chờ ngày trở lại trường lớp, HS các cấp tiếp tục học tập bằng nhiều hình thức dạy và học qua internet.

“Trong giai đoạn “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, các trường, giáo viên vẫn có trách nhiệm tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau để bảo đảm quyền lợi và nhu cầu được tiếp tục học tập của các em HS, bảo đảm việc hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch. Do HS không thể đến trường như hiện nay, mỗi thầy cô giáo cần chủ động hơn việc tiếp cận các ứng dụng hỗ trợ trên internet để chuyển tải kiến thức đến HS, lựa chọn các phương thức phù hợp giúp các em HS được tiếp cận các bài học, để các em được tiếp tục học tập. Ngành khuyến khích thầy cô mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, thủ thuật ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả các bài giảng đã soạn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp tổ chức, thực hiện tốt việc dạy học qua internet trong giai đoạn hiện nay, hướng đến hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn năm học 2019- 2020 theo kế hoạch”.

(Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT)

 ÁNH SÁNG