Các trường chỉ được tăng học phí trong khung quy định

Thứ năm, ngày 30/08/2012

Trước băn khoăn, lo ngại của nhiều bậc phụ huynh về việc tăng học phí trước thềm năm học mới 2012-2013, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, các trường chỉ được tăng học phí trong khung quy định.

Tăng học phí có đi liền với tăng chất lượng?

Nhiều người cho rằng với mức học phí như hiện nay thì việc tăng học phí cũng là cần thiết. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất của các trường có tăng phù hợp với mức học phí hay không lại là điều băn khoăn của không ít bậc phụ huynh.

Hiện có 2 con đang theo học lớp 4 và lớp 7, chị Vũ Thị Hồng Luyến (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc tăng học phí là  cần thiết vì với sự leo tháng giá cả, điều chỉnh học phí thì giáo viên mới có thu nhập đảm bảo cuộc sống để yên tâm giảng dạy.

 Ảnh minh họa Chị Nguyễn Thu Thủy (Hải Phòng) cho rằng, hiện nay khung học phí đã lạc hậu, mức học phí quy định hiện nay là thấp nên chị ủng hộ việc tăng học phí. Bên cạnh đó, chị vẫn băn khoăn tăng học phí có giúp đảm bảo chất lượng giáo dục và giảm lạm thu, giảm tiêu cực trong ngành này hay không.

Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP, khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ  thông năm học 2010-2011 từ 5.000 – 200.000 đồng/tháng/học sinh. Từ năm học 2011-2012 trở đi, học phí  được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

Còn mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà năm học 2012 – 2013 từ 420 - 570 nghìn đồng/tháng/sinh viên.

Mức trần học phí đối với trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được xác định theo hệ số điều chỉnh: Trình độ đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp, hệ số so với đại học là 0,7; trình độ cao đẳng, hệ số 0,8; đào tạo thạc sĩ, hệ số 1,5; đào tạo tiến sĩ hệ số 2,5 so với đại học…

Còn sinh viên Phạm Thanh Tùng, hiện đang theo học tại trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM suy nghĩ, tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có cha mẹ làm nông nhưng với điều kiện kinh tế hiện nay thì việc không tăng học phí là điều khó khăn.

Tuy năm học tới trường của 2 con chị Nguyễn Thanh Thảo (Vũ Hữu, Hà Nội) không tăng học phí nhưng chị Thảo nghĩ rằng, việc tăng học phí có thể sẽ góp phần cho các em học sinh được dạy và học tốt hơn.

"Hiện tôi cho cả 2 con theo học tại trường bán công, tổng mức học phí mỗi cháu 1 tháng là 1.190.000 đồng. Tôi cho rằng, mức học phí tại các trường công lập hiện nay thực sự chỉ có giá trị tượng trưng chứ chưa phải là mức học phí thực sự, chưa thể đảm bảo cho cuộc sống của các giáo viên. Do đó, đây chính là một phần nguyên nhân khiến ngành giáo dục của chúng ta xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực", chị Thảo chia sẻ.

Cùng chung suy nghĩ với chị Nguyễn Phương Thảo, ông Nguyễn Bá Sơn (Đề Thám, TP.HCM) cho rằng tăng học phí là một điều tích cực để bố mẹ cố gắng hơn, con cố gắng hơn, thầy cô cố gắng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, việc học phí tăng ngay trong thời điểm mà mọi chi phí sinh hoạt khác cũng tăng cũng sẽ là gánh nặng không nhỏ. "Nhà trường nên xem xét, quan tâm đến những trường hợp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có hình thức hỗ trợ, giúp đỡ. Chúng ta có khả năng làm được gì tốt cho con em mình thì hãy chung tay cùng làm", ông Sơn nói.

Ông Trần Thị, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) cũng băn khoăn việc tăng học phí sẽ tác động đến một bộ phận học sinh con em các gia đình có thu nhập thấp, gia đình nghèo vì ngoài khoản học phí, gia đình các em học sinh còn phải lo chi phí nhiều khoản khác như học thêm, sách vở, đồ dùng khác…

Tuy nhiên, ông Thị cho biết, việc tăng học phí cũng góp phần tạo điều kiện cho nhà trường tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, nhờ đó chất lượng dạy và học được cải thiện mặc dù trên thực tế, mức tăng này chỉ mới đóng góp một phần trong tổng chi ngân sách cho ngành.

Với trường hợp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ông Thị cho biết, nhà trường sẽ tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm… đóng góp vào quỹ khuyến học để giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em học sinh này tiếp tục việc học tập.

Kiểm tra việc tăng học phí của các trường

Trước vấn đề tăng học phí  được rất nhiều người dân quan tâm, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP với mức thấp nhất là 5.000 và cao nhất là 570.000 đồng/tháng/sinh viên.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập được tự quyết định mức học phí. Các cơ sở giáo dục phải công khai mức học phí cho từng năm học.

Dựa theo những quy định trên, các trường, cơ sở giáo dục tự quyết định mức thu học phí nhưng không được vượt quá trần cho phép.

Ông Quang khẳng định, nếu cơ sở nào thu cao hơn mức trần thì sẽ có các cơ quan thanh tra, kiểm toán kiểm tra và sẽ bị xử lý theo quy định.

Nhiều địa phương không tăng học phí năm học 2012-2013

Ngoài một số địa phương dự kiến sẽ  tăng học phí trong năm học 2012 - 2013 như Sơn La (tăng khoảng 20% so với năm học trước), Thái Bình (tăng khoảng 10%)..., theo khảo sát của phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Kiên Giang, Tuyên Quang... không tăng học phí năm học này.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, năm nay TP.HCM không tăng học phí. Mức học phí vẫn được giữ nguyên như năm ngoái, cụ thể nhà trẻ là 50.000 đồng/tháng đối với khu vực nội thành và 30.000 đồng/tháng đối với khu vực ngoại thành; mẫu giáo là 40.000 và 20.000 đồng/tháng.

Đối với THCS, mức học phí tương ứng với khu vực nội thành và ngoại thành là 15.000 đồng/tháng và 10.000 đồng/tháng; THPT là 30.000 đồng/tháng và 25.000 đồng/tháng.

Còn tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, năm học này mức thu học phí  đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố về cơ bản giảm so với mức thu cũ, đây là mức thu thấp nhất so với Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, thu 40.000 đồng/học sinh/tháng với khu vực thành thị và 20.000 đồng/học sinh/tháng tại khu vực nông thôn, dành cho các bậc học: nhà trẻ; mẫu giáo; THCS; THPT; bổ túc THCS; bổ túc THPT; học nghề THCS; học nghề THPT.

Còn lại, áp dụng các mức trần học phí đối với trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng công lập,  trung cấp nghề và cao đẳng nghề công lập. Như vậy, mỗi năm ngân sách thành phố sẽ bù khoảng 27 tỷ đồng cho những khoản miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Ông Đỗ Văn Thuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và  Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho hay, để ổn định tình hình kinh tế và khắc phục tình trạng đình trệ trong sản xuất trong năm qua, tỉnh chủ trương không tăng học phí và giữ nguyên mức học phí theo mức của 2 năm trước…

Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Kiên Giang và ông Hoàng Văn Thinh, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đều cho biết, ở 2 tỉnh này đều không tăng học phí đối với các cấp học phổ thông.

Theo Chinhphu.vn