Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
(BDO) Hoạt động tư pháp là các hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và hoạt động thi hành án của các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án.
Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp không chỉ xâm phạm đến tính đúng đắn, uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư pháp, mà còn xâm phạm đến quyền lợi, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, hoạt động tư pháp còn bao gồm các hoạt động bổ trợ tư pháp, hỗ trợ tư pháp có liên quan trực tiếp và là căn cứ quan trọng để cơ quan tư pháp xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Do vậy, tội xâm phạm hoạt động tư pháp cũng xâm hại đến các hoạt động bổ trợ tư pháp, hỗ trợ tư pháp. Ví dụ: Giám định viên làm sai lệch kết luận giám định hoặc từ chối kết luận giám định; cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có hành vi nhục hình người bị tạm giữ, tạm giam...
Chủ thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp phần lớn là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp hoặc trong cơ quan Nhà nước khác hoặc tổ chức; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Theo quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng thì chủ thể này là cán bộ có chức danh pháp lý hoặc không có chức danh pháp lý nhưng được giao nhiệm vụ hoạt động tư pháp hoặc đồng phạm với cán bộ có chức danh pháp lý phạm tội trong quá trình làm nhiệm vụ. Ví dụ: Chiến sĩ được giao nhiệm vụ bảo vệ trại tạm giam có hành vi thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn; cán bộ trinh sát, cán bộ điều tra, sinh viên thực tập cũng có thể là chủ thể của tội phạm (dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam, cải tạo)...
Chủ thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước khác (Tội cản trở thi hành án); những người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, giám định, phiên dịch…); người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khác hoặc là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (Tội không tố giác tội phạm, tội che giấu tội phạm…).
Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được thực hiện bằng hành vi chủ yếu dưới dạng hành động (nhục hình, bức cung, trốn khỏi nơi giam, giữ…) hoặc không hành động (không chấp hành án…). Phần lớn các tội xâm phạm hoạt động tư pháp hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội, mà không cần phải có hậu quả xảy ra. Có một số hành vi nhất thiết phải có hậu quả xảy ra mới coi là tội phạm như: Ra quyết định trái pháp luật; ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật; thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn; không thi hành án; cản trở việc thi hành án; trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử; đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù.
Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp đều có lỗi cố ý (hầu hết các tội là lỗi cố ý trực tiếp, một số trường hợp là cố ý gián tiếp), trừ Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn là lỗi vô ý.
Chúng tôi giới thiệu 2 tội trong nhóm tội này là Tội dùng nhục hình và Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật người.
1. Tội dùng nhục hình (Điều 373)
Dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyềntiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã dùng bạo lực hoặc dùng các thủ đoạn khác gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm đối với người bị tố giác, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án tù, người bị đưa vào trường giáo dưỡng, giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc, có trường hợp còn là nhân chứng… và những người tham gia tố tụng khác.
Tội dùng nhục hình xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người bị nhục hình, làm giảm uy tín của cơ quan tư pháp. Người thực hiện tội phạm là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự như: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án; Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án; cán bộ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam (cán bộ quản giáo) mới có thể thực hiện được tội phạm này. Cán bộ thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có hành vi đánh người đang bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Những người được giao một số nhiệm vụ điều tra, tố tụng ban đầu (Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, Công an cấp xã…) cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.
Tội dùng nhục hình được thực hiện bằng các hành vi bạo lực như: Tra tấn, đánh đập, cùm chân, tay… hoặc thủ đoạn khác, như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, hỏi cung suốt ngày đêm… gây đau đớn về thể xác, tinh thần; đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người khác như: Làm cho người bị nhục hình rất đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc nhân phẩm bị hạ nhục, như bắt liếm chân, ăn phân…
Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5792/ UBND-NC ngày 30-11- 2018 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. |
Giữa Tội dùng nhục hình và Tội bức cung có trường hợp hành vi tương đối giống nhau (bị gây áp lực về tinh thần), nhưng khác nhau về tính chất và mục đích của người phạm tội. Ở Tội bức cung là gây áp lực về mặt tâm lý để buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, còn ở Tội dùng nhục hình là hành hạ về thể xác hoặc hạ nhục nhân phẩm và không có động cơ, mục đích như ở Tội bức cung.
Về hình phạt, có 4 khung hình phạt chính. Khung 1, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, đối với người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Khung 2, phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, đối với một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%. Khung 3, phạt tù từ 7 năm đến 12 năm, đối với một trong các trường hợp: Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm người bị nhục hình tự sát. Khung 4, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, đối với trường hợp làm người bị nhục hình chết. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm. (Còn tiếp)