Các tổ công nghệ số cộng đồng: “Cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở
(BDO) Hiện tại, các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) trong tỉnh đã làm việc rất hiệu quả tại cơ sở, là “cánh tay nối dài” giúp chính quyền cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong quá trình chuyển đổi số (CĐS).
Hiệu quả thấy rõ
Dân số đông, cán bộ ít là cái khó ở các phường An Phú, Bình Hòa, Thuận Giao, Bình Chuẩn (TP.Thuận An), Bình An, An Bình, Tân Bình, Tân Đông Hiệp, Dĩ An (TP. Dĩ An)… Thế nhưng tại các phường này, cấp ủy, chính quyền đã huy động số đông lực lượng chính hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng CĐS là các thành viên tổ CNSCĐ. Bất kể ngày đêm, các tổ đã đến tận nhà dân, khu phố hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VNeID), ứng dụng Bình Dương số, hướng dẫn tạo tài khoản cho người dân trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia, Cổng DVC của tỉnh và các tiện ích khác của CĐS.
Tổ công nghệ số cộng đồng phường Bình An, TP.Dĩ An đến tận nhà dân hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID
Ông Phan Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Phú, TP.Thuận An, nhìn nhận ở An Phú, các tổ CNSCĐ thực hiện rất tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng chính quyền thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận công nghệ số theo cách đơn giản và tạo ra nhiều giá trị thiết thực.
“Đảng ủy, UBND phường xác định các tổ CNSCĐ được xem là những “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn, tuyên truyền đến người dân, hộ gia đình sử dụng tiện ích ứng dụng định danh điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và tương tác với chính quyền qua nền tảng số. Do đó, chúng tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát triển thêm các tổ, đội, nhóm tình nguyện nhằm chạy đua nước rút hoàn thành trước thời hạn kế hoạch 60 ngày kích hoạt tài khoản định danh điện tử”, ông Phan Thái Sơn cho biết.
Hiệu quả của các tổ CNSCĐ đã nhìn thấy rõ. 586 tổ CNSCĐ gồm 3.329 thành viên đã đi từng ngõ hẻm, khu phố giúp người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử và tuyên truyền hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) hay hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và các tiện ích khác của CĐS. Cùng với đó là hỗ trợ người dân về các DVCTT, thực hiện các thao tác đóng tiền điện, tiền nước trực tuyến, đồng thời đến các hàng quán, hộ kinh doanh để hướng dẫn, tuyên truyền về việc thanh toán qua mã QR…
Quan tâm hỗ trợ
Nhìn từ thực tiễn cho thấy các tổ CNSCĐ đã góp phần tuyên truyền về DVCTT, thanh toán trực tuyến, hỗ trợ người dân nhiều tiện ích khác trong giai đoạn CĐS. Thế nhưng, chủ yếu các tổ này vẫn hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Do đó, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, cũng như tổ chức các lớp, chương trình tập huấn về kỹ năng số cho các thành viên của tổ CNSCĐ để thực sự phát huy hiệu quả.
Trong văn bản chỉ đạo mới đây của UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, yêu cầu địa phương tổ chức thành lập các tổ thanh niên tình nguyện (TNTN) tham gia CĐS cộng đồng tại các khu phố, ấp. Mỗi chi đoàn khu, ấp có ít nhất 1 tổ TNTN tham gia CĐS cộng đồng, mỗi tổ có từ 20 thành viên là đoàn viên thanh niên đang sinh hoạt tại chi đoàn, chi hội, các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên trên địa bàn. Mỗi tổ có thể chia thành các nhóm nhỏ từ 2 thành viên phụ trách các tổ dân phố để thuận tiện trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng nền tảng số, dịch vụ số.
UBND tỉnh đang chuẩn bị trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chế độ, chính sách hỗ trợ cho tổ CNSCĐ vào kỳ họp cuối năm 2023; tham mưu ban hành khung năng lực, điều kiện, quy chế, tổ chức, hoạt động tổ CNSCĐ để chuẩn hóa thành viên tham gia. Do vậy, trong thời gian tới, các thành viên tổ CNSCĐ sẽ được hỗ trợ tích cực để giúp chính quyền cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ CĐS trong tình hình mới, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số trong tương lai.
HỒ VĂN - NGỌC MINH