Các tỉnh phía Nam "chạy đua với thời gian" chuẩn bị đối phó bão số 12

Thứ năm, ngày 02/11/2017

(BDO)  

Tàu thuyền neo đậu trú bão trên sông Cà Ty, Phan Thiết. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Trước khả năng bão số 12 đổ bộ trực tiếp vào đất liền khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, các địa phương trong khu vực đang gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó bão.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, theo Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhằm chủ động phòng tránh bão số 12, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân, đơn vị đã chỉ đạo các Đồn biên phòng cấm các phương tiện ra khơi đánh bắt hải sản, thời gian bắt đầu từ 10 giờ ngày 2/11 và sẽ cho xuất bến trở lại khi điều kiện thời tiết trên biển đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức kiểm đếm lại tàu thuyền; phối hợp với Ban Quản lý các cảng cá sắp xếp cho tàu neo đậu an toàn và duy trì quân số trực kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự tại bến neo đậu.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng duy trì 6 đài canh liên tục thông báo cho các phương tiện trên biển biết áp thấp nhiệt đới hiện đã mạnh lên thành bão số 12; hướng dẫn cho tàu, thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú. Hiện tất cả các phương tiện trên biển đều đã nắm được thông tin để có phương án tránh trú.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp cùng các lực lượng Cảnh sát biển, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 liên lạc được với hai tàu cá BV 95681 TS và BV 95124 TS (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) với 14 ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, bị mất liên lạc trước đó; đồng thời hướng dẫn hai tàu cá này thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Tại Khánh Hòa, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện có 9.790 tàu cá, trong đó có 317 tàu với 1.730 ngư dân đang hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đã nắm được thông tin về cơn bão số 12 và có kế hoạch phòng tránh; số phương tiện còn lại đã vào bến neo đậu.

Hiện nay, mực nước sông Dinh tại thị xã Ninh Hòa đạt 5,34m dưới báo động 3 là 0,16m; trong khi đó, mực nước sông Cái tại thành phố Nha Trang đang ở dưới báo động 1. Nhiều hồ chứa ở Khánh Hòa đang điều tiết nước với lưu lượng xả lũ thấp như các hồ: Đá Bàn xả 47,8 m3/s; Hoa Sơn xả 23,8 m3/s…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương theo dõi kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu, thuyền trên biển; thường xuyên thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ; căn cứ tình hình vùng hạ du, chủ động điều tiết, xả lũ trước nhằm hạ mực nước hồ, để đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

Tại Kiên Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương không chủ quan, theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời diễn biến của bão số 12. Ngành chức năng điều hành tàu, thuyền hợp lý, tránh thiệt hại về tài sản. Các địa phương rà soát lại hệ thống bờ bao để phòng tránh triều cường, nước biển dâng, sản xuất lúa tránh ngập úng lúa Đông Xuân và hoa màu… Huyện Phú Quốc, Kiên Hải, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương là những địa phương bị tác động nhiều nhất nên cần có biện pháp phòng tránh phù hợp. Các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị các biện pháp sơ tán, di dời dân và ứng phó các tình huống do thiên tai gây ra; chuẩn bị phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động khi có thiên tai xảy ra...

Đến ngày 2/11, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.000 phương tiện với trên 18.000 lao động đang hoạt động trên vùng biển ảnh hưởng của bão vào nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh vẫn còn trên 6.000 phương tiện đang hoạt động đánh bắt trên biển.

Tại huyện đảo Kiên Hải, đến nay có 1.080/1.530 tàu, thuyền nhỏ đã di chuyển về nơi trú ẩn an toàn; 293 bè cá nuôi được chằng chống... Còn tại huyện đảo Phú Quốc, đến ngày 2/11, có hơn 2.600 tàu đánh bắt của ngư dân trên đảo đã được kêu gọi vào bờ. Hàng trăm tàu cá của ngư dân các tỉnh khác cũng đã vào trú ẩn ở những vùng an toàn trên huyện đảo như Cảng biển quốc tế An Thới, Dương Đông, Hòn Thơm…

Do ảnh hưởng của bão số 12, ngày 2/11, tất cả các tuyến tàu cao tốc chở khách từ cảng Rạch Giá, Hà Tiên đi huyện đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải và ngược lại đều ngưng xuất bến.

 

Để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với thời tiết nguy hiểm, bất thường, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương đã triển khai các nhiệm vụ ứng phó với bão số 12.

​Các sở, ban ngành, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một khẩn trương triển khai tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết để ứng phó kịp thời.

Bình Dương cũng đang rà soát các khu vực xung yếu, khu nuôi trồng thủy sản, khu dân cư tại những vùng trũng, thấp có nguy cơ ngập lụt, sạt lở ven sông, suối. Tỉnh còn chuẩn bị phương án di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn theo phương án phòng chống chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị sẳn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, thông tin rộng rãi tình hình thời tiết và chỉ đạo ứng phó của các cấp chính quyền đến từng ấp, khu phố, người dân, đặc biệt người dân ở vùng trũng thấp, ven sông và hạ lưu các hồ chứa để biết và sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường; rà soát các phương án phòng, tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão thứ 12.

Các địa phương, đơn vị triển khai các phương án bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du các hồ chứa, chủ động điều tiết nước hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; có phương án phối hợp đơn vị quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn đảm bảo an toàn công trình khi có mưa, lũ…

Ngoài ra, Bình Dương chỉ đạo chủ đầu tư các công trình xây dựng giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước đang thi công phải có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện vật tư thi công, đồng thời cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra. 

Theo TTXVN