Các thiết chế văn hóa truyền thống còn nhiều khó khăn trong hoạt động

Thứ bảy, ngày 15/10/2022

(BDO) Quan tâm đầu tư

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết thời gian qua, các nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa, nhất là các di tích lịch sử - văn hóa luôn bám sát đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được tỉnh chú trong thực hiện có hiệu quả.

Nhằm nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã giao Bảo tàng tỉnh tham mưu xây dựng đề án “Cơ cấu tổ chức và hoạt động của 3 di tích Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt và Chiến khu Đ” trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Ngoài ra, ngành cũng đề xuất thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Thông qua thực hiện những đề án, đề tài này sẽ phát huy tối đa mọi nguồn lực sẵn có tại di tích đáp ứng nhu cầu khách tham quan đến với di tích, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển; đồng thời, huy động sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh.

Các thiết chế văn hóa truyền thống của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động

Triển khai nội dung của quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở VH,TT&DL cũng đã cụ thể hóa những nội dung của quy hoạch thành kế hoạch thực hiện hàng năm của ngành nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của hệ thống bảo tàng theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm với nhiều hoạt động chuyên môn đạt hiệu quả, chất lượng tốt. Nổi bật như tăng cường công tác sưu tầm, bổ sung nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị cho kho cơ sở. Bên cạnh đó, ngành còn đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày, tuyên truyền, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu và học tập của công chức tại bảo tàng; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ bảo tàng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo ông Lê Văn Phước, thời gian qua, các di tích Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Đ đã được tỉnh đầu tư ngân sách thực hiện tu bổ, tôn tạo với quy mô lớn, trở thành những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương. Tuy nhiên, do thời gian thi công tu bổ kéo dài, việc triển khai dự án chưa được đồng bộ giữa đầu tư tu bổ và xây dựng cơ cấu bộ máy quản lý dẫn đến công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng thiếu nguồn nhân sự, trang thiết bị và cơ sở vật chất, một số công trình bị xuống cấp.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên thuyết minh tại chỗ ở các di tích còn thiếu. Hoạt động khai thác, phát huy chưa xứng với tiềm năng đầu tư và giá trị vốn có của di tích, chưa thu hút được khách có thể quay lại nhiều lần. Công tác tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông vẫn còn hạn chế, thiếu tài liệu, hiện vật, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ vào trưng bày và tuyên truyền. Các loại hình dịch vụ phục vụ khách tham quan chưa được tổ chức thực hiện. Công tác xã hội hóa trong hoạt động phát huy giá trị di tích chưa có cơ chế chính sách phù hợp để huy động nhiều nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, nhất là triển khai các loại hình dịch vụ trải nghiệm, vui chơi giải trí.

Theo ông Lê Văn Phước, việc chỉ trả mức lương hiện nay cho người lao động theo mức lương tối thiếu vùng I là 4.680.000 đồng/người/tháng (bao gồm các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) là quá thấp nên không thu hút được người lao động tới làm việc tại các di tích… Bảo tàng tỉnh là đơn vị không có thu, thu nhập của viên chức và người lao động chủ yếu từ mức lương cơ bản của Nhà nước. Vì vậy, đời sống viên chức, người lao động rất khó khăn. Hiện tại, chỉ có 2 viên chức của Bảo tàng tỉnh có mức thu nhập đạt trên mức thu nhập bình quân của tỉnh.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại các thiết chế văn hóa truyền thống trong thời gian tới, Sở VH,TT&DL kiến nghị UBND tỉnh cho phép thành lập bộ máy quản lý di tích riêng cho từng di tích được đầu tư với quy mô lớn như Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Đ… nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, tỉnh có chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù đối với viên chức và người lao động của Bảo tàng tỉnh nhằm nâng cao đời sống, khuyến khích, động viên mọi người an tâm công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, sở cũng kiến nghị đầu tư kinh phí chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ và phục vụ khai thác sử dụng, nghiên cứu và tiến tới bảo tàng số, bảo tàng thông minh, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Theo ông Lê Văn Phước, việc chỉ trả mức lương hiện nay cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng I là 4.680.000 đồng/người/tháng (bao gồm các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) là quá thấp nên không thu hút được người lao động tới làm việc tại các di tích.

CẨM LÝ