Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Bình Dương: Hợp lực để phát triển bền vững
Sơ kết 2 năm (2008-2009) triển khai thực hiện chuyên đề phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (XKCL) của tỉnh Bình Dương đến năm 2010, một số doanh nghiệp (DN) trong ngành, các cơ quan hữu quan đã tỏ ý quan ngại khi mức độ tăng trưởng của các mặt hàng XKCL đã không đạt như kế hoạch đề ra. Trong khi đây lại là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định bền vững của nền kinh tế tỉnh nhà.
Gốm sứ, đồ gỗ, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Bình DươngTăng cường đầu tư cho 5 nhóm hàng XKCL
Theo báo cáo sơ kết 2 năm (2008-2009) thực hiện chuyên đề phát triển các mặt hàng XKCL của tỉnh đến năm 2010, cho thấy chỉ có 1/5 nhóm hàng XKCL đã giảm liên tục 2 năm liền trên 3 mặt về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu (XK) và thị phần đó là ngành hàng thủ công mỹ nghệ (tcmn). Giá trị kim ngạch XK đạt 320,301 triệu USD, giảm bình quân 11,80%/năm, chiếm tỷ trọng 2,43%/tổng kim ngạch XK của tỉnh. Thị trường tiêu thụ của ngành hàng này đã giảm từ 70 xuống 65 nước, vùng lãnh thổ. Ngoại trừ ngành dệt may có tỷ lệ tăng trưởng khá tốt (20,43%/năm) cả 3 mặt về sản lượng, giá cả, thị trường tiêu thụ đều tăng hàng năm từ 67 nước lên 73 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. 3 ngành hàng còn lại là chế biến gỗ, cao su và da giày dù vẫn duy trì tỷ lệ tăng trưởng hàng năm lần lượt là 4,26%/năm, cao su chế biến 15,66%/năm và 10,26%/năm nhưng ngược lại bị suy giảm khá nhiều về thị phần.
Theo đánh giá của ngành chức năng, đến cuối năm 2009, các mặt hàng XKCL đều có sự tăng trưởng về giá trị kim ngạch, sản lượng và thị trường nhưng mức độ tăng trưởng không đạt như kế hoạch đề ra (năm 2009 tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK vẫn được duy trì tăng 8,42%/năm nhưng so cùng kỳ năm trước đã giảm 2,6%). Tỷ trọng cơ cấu giá trị kim ngạch XK 5 mặt hàng XKCL trong tổng kim ngạch giảm 0,41%, Đặc biệt, mặt hàng TCMN là mặt hàng giảm liên tục trong 2 năm liền cả về sản lượng lẫn kim ngạch XK. Như vậy, so với kế hoạch và mục tiêu đề ra trong năm 2010, nhiệm vụ thời gian tới là cần tăng cường đầu tư nhiều hơn cả về thị trường XK, sản lượng, kim ngạch XK đối với 5 nhóm hàng XKCL này.
Nhận diện những khó khăn
Theo đánh giá của Sở Công Thương Bình Dương, tác động của cuộc suy thoái kinh tế đã làm thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp bị thu hẹp, dẫn đến các DN phải điều chỉnh kế hoạch cắt giảm sản lượng, giảm công nhân lao động... Cùng trong thời gian đó nền kinh tế cả nước còn phải chịu hàng loạt yếu tố khó khăn khác như lạm phát, chính sách chỉ số giá tăng liên tục từ 14,95% năm 2007 lên 18,75% năm 2008, đã ảnh hưởng chi phí đầu vào, tiền công lao động phải tăng... dẫn đến tăng giá thành. Trong khi đó, giá XK có xu hướng giảm vì có nhiều sản phẩm cạnh tranh (đẩy hàng tồn). Bước sang năm 2009, ngoài khó khăn về thị trường, các DN còn phải đối mặt với nguy cơ giá XK giảm mạnh. Bên cạnh đó, các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch lớn, được coi là “những mũi nhọn XK” như gỗ, TCMNå, dệt may, da giày gặp phải nhiều khó khăn bởi các hàng rào phi thuế quan và biện pháp bảo hộ tinh vi đã và đang được nhiều nước nhập khẩu dựng lên nhằm bảo hộ hàng sản xuất trong nước.
Cùng chung những lo lắng cho hoạt động XK trong giai đoạn hiện nay, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I Lý Ngọc Minh cho biết, tuy nguồn nguyên liệu sản xuất không quá khó như ngành gỗ nhưng những khó khăn tưởng chừng như vô lý vẫn diễn ra đó là DN Bình Dương không thể mua được đất cao lanh, trong khi đến các tỉnh, thành khác thì công tác thu mua càng khó khăn vì các tỉnh này ưu tiên cho DN của tỉnh mình. Vì vậy, nguồn nguyên liệu lại càng trở nên khan hiếm gây khó khăn cho việc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đã ký. Theo vị giám đốc này, nếu ngành gốm sứ được tạo thêm lực đẩy bằng các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, điều tiết cung ứng nguồn nguyên liệu hợp lý, đẩy mạnh XK... thì đây là ngành kinh doanh trọn gói và hoàn toàn có thể cạnh tranh với các sản phẩm ngoài nước.
Bên cạnh khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường, giá cả... các DN XK còn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn được đề cập đến nhiều nhất vẫn là nguồn vốn. Phó Giám đốc một DNTN sản xuất XK gốm sứ ở Bình Chuẩn, Thuận Giao cho biết, mặc dù đã có quy định về lãi suất (LS) thỏa thuận nhưng trên thực tế, các DN XK có nhu cầu vay vốn luôn phải chịu mức LS mà ngân hàng ấn định. Ngay cả khi chấp nhận vay với LS cao, các DN cũng không được đáp ứng đủ nguồn tiền cần vay để mua nguyên liệu mỗi khi vào chu kỳ sản xuất. Tiếp đến là vấn đề thiếu hụt công nhân lao động đang trở thành mối quan tâm của nhiều DN khi muốn đến đầu tư tại Bình Dương, bởi tình trạng thiếu hụt công nhân lao động diễn ra ở hầu hết ở các DN cũ và mới và đặc biệt là thiếu công nhân có tay nghề cao.
Ngoài những yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài thì chính sách thuế vẫn còn nhiều bất cập như thuế nhập khẩu; thuế nguyên phụ liệu quá cao lên đến 50%. Trong khi DN nhập nguyên phụ liệu để sản xuất lại tính thành thuế kinh doanh. Chính vì thuế quá cao đã tác động ngay vào lợi ích, lợi nhuận của DN dẫn đến giá thành cao, làm giảm sức cạnh tranh. Nếu không kịp thời có các giải pháp, chủ trương và chính sách hợp lý nhằm giảm bớt áp lực trên thị trường, tháo gỡ các khó khăn một cách đồng bộ cả về sản xuất và XK cho các DN XK chủ lực nói chung thì ngành TCMN nói riêng sẽ khó lòng đứng vững.
Hợp lực để phát triển
Đánh giá về triển vọng XK của năm 2010, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thị Điền cho rằng, trong quý I-2010, các mặt hàng XKCL vẫn đang dẫn đầu về kim ngạch tăng trưởng nhất là dệt may, da giày, chế biến gỗ. Đặc biệt, có một số mặt hàng mới như điện, linh kiện điện tử, dây cáp điện có sự tăng trưởng khá tốt, điều này cho thấy triển vọng XK khả quan. Tuy nhiên, hoạt động XK đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là những yếu tố rủi ro của thị trường tài chính, áp lực về vốn, về cạnh tranh, về rào cản từ các nước nhập khẩu và sự hạn chế về năng lực sản xuất... Vì vậy, hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách, triển khai nhiều giải pháp nhằm trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các DN, trong đó có nhiều chính sách về tài chính, tiền tệ như giãn, hoãn, giảm hoàn thuế thu nhập DN, điều hành thuế suất nhập khẩu, điều hành chính sách tiền tệ, LS, tỷ giá linh hoạt, hỗ trợ LS... Về phía Sở Công Thương và các ban ngành liên quan địa phương cũng đang triển khai hàng loạt các giải pháp thúc đẩy hoạt động XK theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Điền cho biết thêm, Sở Công Thương đang làm công tác kết nối hiệp hội ngành hàng và một số DN có quy mô lớn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi cho sản xuất - kinh doanh, XK để các DN này có thể tiếp tục đầu tư về công nghệ, đầu tư nâng cao kỹ năng, nâng tay nghề lao động từ đó mở rộng sản xuất cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường. Tiếp tục tạo đà cho ngành XK phát triển mạnh trong năm 2010, đặc biệt là đối với các lĩnh vực XKCL, vấn đề còn lại là sự nỗ lực của chính cá nhân DN trong việc phát triển mẫu mã, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá, tìm kiếm thị trường... Bên cạnh đó, để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời gian tới, theo bà Điền, DN cần phải tham gia vào hiệp hội ngành hàng để tạo sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh.
THANH HỒNG