Các sản phẩm Việt Nam hút khách tại Hội chợ Paris

Thứ sáu, ngày 10/05/2013

Gần 50 gian hàng của các DN Việt Nam, với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sơn mài, thêu, thổ cẩm và trang sức, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách tới Hội chợ Paris 2013 mở cửa từ ngày 30-4.

Đây là thành công ngoài mong đợi của các đơn vị Việt Nam tham gia hội chợ vì hiện nay sức mua tại Pháp liên tục giảm do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng khắp châu Âu.

Trên diện tích hơn 600m2, các gian hàng Việt Nam chiếm ½ khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ của châu Á với những mặt hàng rất đa dạng và phong phú cho khách hàng Pháp lựa chọn như đồ khảm trai, sơn mài, thổ cẩm, trang sức của các dân tộc thiểu số.

  Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng thăm các gian hàng.Sự tham gia của các DN đến từ Việt Nam cũng như các nhóm Việt kiều tại Pháp được ban tổ chức đánh giá là “rất quan trọng″, trong đó có những sản phẩm sáng tạo của các bạn trẻ được trưng bày trong không gian sáng tạo.

Sau khi tham quan các gian hàng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Dương Chí Dũng cho biết, các gian hàng Việt Nam tham dự Hội chợ Paris năm nay tiếp tục được ban tổ chức quan tâm, tạo điều kiện để giới thiệu tới người tiêu dùng tại Pháp những sản phẩm truyền thống. Cũng như những năm trước, các DN Việt Nam vẫn đứng hàng đầu trong số các nước châu Á tham dự Hội chợ Paris.

Đại sứ Dương Chí Dũng cho rằng: “Đây là điều rất vui mừng vì chúng ta thấy được vai trò tích cực, chủ động của các DN trong việc tham gia tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ các sản phẩm vì sức mua tại các thị trường trên thế giới kể cả Pháp giảm nhiều trong thời gian gần đây″.

Theo đánh giá của Đại sứ Dương Chí Dũng, các DN không chỉ bán các sản phẩm Việt Nam mà còn giới thiệu và quảng bá hình ảnh cùng các sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam ra thế giới. Đó là điều thật đáng quý.

Bà Guersende Rouby, Giám đốc quản lý thị trường Hội chợ Paris đánh giá cao việc chuẩn bị hay trang trí các gian hàng của Việt Nam, tạo ấn tượng và phong cách rất riêng. Chính vì vậy khu Việt Nam luôn thu hút rất đông khách tới thăm và mua hàng.

Bà cũng cho biết, để chuẩn bị cho hội chợ năm tới cũng là Năm Việt Nam tại Pháp trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, lãnh đạo Hội chợ đã trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để triển khai một dự án chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia hiệu quả và ấn tượng hơn.

Đến hội chợ này, nhiều người Pháp có chung ý định mua hàng thủ công truyền thống của Việt Nam. Chị Pauline Petit tranh thủ ngày nghỉ lễ đưa hai cô con gái tới đây với mục đích chính là tìm mua nón lá và bộ áo dài truyền thống của Việt Nam.

Chị cho biết: “Năm 2011 tôi có chuyến công tác tới Việt Nam trong 10 ngày. Đó là một chuyến đi rất thú vị vì tôi có dịp thưởng thức những món ăn rất đặc biệt, có hương vị và cách nấu khác với ở Pháp. Rồi lại còn được mặc áo dài chụp ảnh. Hai cô con gái của tôi rất thích thú khi thấy mẹ trong trang phục đó và khen là ‘thật duyên dáng’. Đó chính là lý do tôi đưa các cháu tới đây để mua nón lá và áo dài cho hai cháu như đã hứa. Tôi rất ấn tượng với những nét văn hóa và sản phẩm truyền thống của Việt Nam và đó cũng là cảm nhận chung của các bạn tôi từng tới Việt Nam″.

Trong khi đó, anh Garisht có gian hàng dệt truyền thống đối diện với khu Việt Nam tỏ ra rất hài lòng với sự bố trí của ban tổ chức. Anh cho biết: “Suốt sáu năm qua tôi luôn có mặt tại đây cùng các bạn Việt Nam để cùng giới thiệu những sản phẩm dệt truyền thống của hai nước. Dù khách tới gian của các bạn Việt Nam hay của Ấn Độ, tôi đều cảm thấy vui vì khách hàng có thể hiểu rõ hơn giá trị của các mặt hàng truyền thống. Ngay cả tôi cũng rất thích các sản phẩm thủ công của Việt Nam. Mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục duy trì nghề truyền thống để cung cấp cho khách hàng tại Pháp″.

Chị Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại - chi nhánh TP HCM (Vinexad), đơn vị tổ chức hội chợ chuyên nghiệp từ nhiều năm qua, nhận định rằng các sản phẩm đẹp với nhiều mẫu mã của Việt Nam vẫn rất hút khách dù sức mua tại Pháp giảm không nhỏ do khủng hoảng.

Chi phí tham gia hội chợ tăng lên theo từng năm, nhưng các DN vừa và nhỏ Việt Nam vẫn quyết tâm vì Pháp là một thị trường tiềm năng và đây cũng là cơ hội để tìm kiếm đối tác làm ăn lâu dài. Các DN Việt Nam cũng gặp một số khó khăn về ngôn ngữ khiến cho việc giới thiệu giá trị sản phẩm và quảng bá thương hiệu chưa có hiệu quả cao. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan đại diện tại Pháp trong đó có Sứ quán và Thương vụ để thúc đẩy việc quảng bá sản phẩm cũng như hình ảnh Việt Nam tới người tiêu dùng Pháp.

Nếu xét về tình hình kinh tế chung của nước Pháp, ai cũng thấy người tiêu dùng Pháp cắt giảm chi tiêu một phần là kinh tế Pháp không được thuận lợi và tâm lý tiêu dùng của người Pháp là tiết kiệm. Đó là những nhận định chung, còn đối với các mặt hàng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều vì có giá cả phải chăng và mẫu mã được đổi mới nên vẫn hấp dẫn người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán cơ quan thương vụ (Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp), cho biết: Hội chợ Paris là Hội chợ bán lẻ hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất của nước Pháp. Vị trí của các sản phẩm Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Pháp đánh giá cao. Nếu so sánh với với một số nước khác tham gia Hội chợ thì các gian hàng Việt Nam có diện tích lớn và thu hút được nhiều khách tham quan. Nếu tính tỷ lệ thì các gian hàng thủ công mỹ nghệ Viêt Nam chiếm một nửa diện tích. Các DN Việt Nam sản xuất những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Pháp với giá cả hợp lý thì vẫn mở rộng được thị trường trong giai đoạn khó khăn chung của Pháp và cả khu vực châu Âu hiện nay.

Hội chợ Paris lần thứ 109 thu hút khoảng 3.400 gian hàng đến nhiều nước trên khắp thế giới tới trưng bày các sản phẩm trên tổng diện tích 200 nghìn m2. Đến với Hội chợ, mọi người không chỉ tìm kiếm những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ ưng ý mà còn có dịp khám phá những sản phẩm hay sáng kiến nhằm cải thiện điều kiện sống và tham gia các hoạt động giải trí văn hóa, nghệ thuật.

Hội chợ sẽ kéo dài đến hết ngày 12-5.

Theo Báo Nhân Dân