Các nước kêu gọi thành lập Tòa án Công lý quốc tế về môi trường

Thứ ba, ngày 13/10/2015

(BDO)

Ảnh minh họa. (Nguồn: churchmilitant.com)

Ngày 12-10, Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu lần thứ hai đã bế mạc tại Tiquipaya, miền Trung Bolivia, sau 3 ngày nhóm họp, với việc ra tuyên bố chung yêu cầu thành lập Tòa án Công lý quốc tế về môi trường.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống nước chủ nhà Evo Morales, Tổng thống Ecuador Rafael Correa, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cùng ngoại trưởng nhiều nước như Pháp và Cuba đã tham gia hội nghị.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tuyên bố Tiquipaya nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập một cơ quan quốc tế để xét xử các vụ vi phạm và phá hoại môi trường và khí hậu. Tòa án Công lý quốc tế về môi trường, hoạt động độc lập và tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, sẽ xác định trách nhiệm, xử phạt và khắc phục hậu quả của các vụ phá hoại môi trường.

Tuyên bố nhấn mạnh khả năng loài người sẽ phải đương đầu với thảm họa thiên tai nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C, đồng thời hối thúc minh bạch hóa thông tin về tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để nâng cao nhận thức của cộng đồng, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng đa khủng hoảng trên thế giới, khủng hoảng khí hậu, tài chính, lương thực, năng lượng, thể chế, văn hóa, đạo đức, bên cạnh các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang diễn ra liên tục. Hội nghị cũng yêu cầu thay vì chạy đua vũ trang, nguồn ngân sách này nên đầu tư cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng thống Ecuador Correa cho rằng cần thiết lập một tòa án về môi trường để thực thi pháp luật và công bằng bởi lẽ cho tới nay “công lý vẫn thuộc về các cường quốc.” Ông cho rằng các nước nghèo lại là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu còn các nước giàu, thủ phạm của tình trạng này lại không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào và đây là logic của chủ nghĩa tư bản.

 Ecuador từng khởi kiện Tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron về những thiệt hại môi trường mà tập đoàn này đã gây ra cho nước Ecuador trong quá trình khai thác kéo dài suốt 30 năm của thế kỷ trước.

Hồi tháng Ba vừa qua, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết yêu cầu Chevron bồi thường 9,5 tỷ USD cho Ecuador vì đã gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cho cộng đồng thổ dân ở tỉnh miền Tây Sucumbios, thuộc vùng Amazon.

Ngoài các quan chức cấp cao, hơn 7.600 đại biểu tới từ 54 quốc gia trên thế giới đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu lần thứ hai tại Bolivia. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất diễn ra vào năm 2010 cũng tại quốc gia này.

Tuyên bố Tiquipaya sẽ được gửi cho ban tổ chức hội nghị quốc tế về chống biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại Paris, Pháp./.