Các nước đạt thỏa thuận TPP - Cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu Việt Nam
(BDO)
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari thông báo kết quả đàm phán - Ảnh: AFP
Ngay sau khi 12 quốc gia tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định điều này sẽ đem lại lợi ích lớn cho toàn bộ khu vực.
Đàm phán TPP đã đi đến một thỏa thuận cuối cùng - Ảnh: Reuters
Có mặt tại cuộc họp báo ở Atlanta, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng khẳng định dù Việt Nam là nền kinh tế vào loại kém phát triển nhất TPP, nhưng vẫn cam kết sẽ thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ và quyền lợi của quốc gia mình trong TPP.
“Đây là một kết quả lớn không chỉ với Nhật mà với cả tương lai của châu Á - Thái Bình Dương” (Thủ tướng Nhật Shinzo Abe)
Còn tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng TPP sẽ “tạo sân chơi bình đẳng” cho giới công nhân và doanh nghiệp Mỹ.
Ông Obama nhấn mạnh Quốc hội Mỹ sẽ có nhiều tháng để nghiên cứu TPP trước khi ông ký thông qua thỏa thuận này thành luật. Thượng nghị sĩ Ron Wyden thuộc Ủy ban Tài chính Thượng viện, cho rằng TPP “có thể mở ra nhiều cơ hội mới quan trọng”. Bộ Thương mại Mỹ cho biết TPP bao gồm nhiều điều khoản hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb mô tả TPP là thỏa thuận quan trọng nhất mà các nước đạt được trong 20 năm qua. Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết với TPP, sẽ chỉ còn một số ít loại thuế tồn tại, bao gồm thuế của Nhật đối với thịt bò và một số loại thuế đánh vào mặt hàng bơ sữa.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Amari khẳng định các quy định thương mại do TPP đặt ra sẽ trở thành các tiêu chuẩn toàn cầu. Ông quả quyết TPP sẽ giúp tăng cường cả quan hệ kinh tế và an ninh của các quốc gia trong khu vực.
Cơ hội lớn cho dệt may Việt Nam
Khi được hỏi về các tiêu chuẩn lao động của TPP, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đây là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong cuộc đàm phán.
“Các quy định về lao động trong TPP không phải của Mỹ hay bất kỳ nước nào mà tuân theo các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Chúng tôi là thành viên của ILO và cam kết thực hiện theo các quy định của ILO”
Trước câu hỏi của phóng viên về ảnh hưởng của TPP đối với ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ tin tưởng TPP sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn, qua đó đem lại lợi ích cho người lao động nghèo.
“Ngành dệt may Việt Nam tuyển dụng rất nhiều lao động và TPP sẽ đem lại lợi ích lớn” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Trì hoãn vì sao?
Trước đó, quan chức thương mại Mỹ khẳng định các bộ trưởng đã thương lượng xong các vấn đề lớn của TPP và chỉ còn hoàn tất các chi tiết và duyệt dự thảo thỏa thuận rất dài.
Các nguồn tin từ Atlanta cho biết New Zealand đòi tiếp cận thị trường sâu hơn ở một số quốc gia và đây là vướng mắc gây khó cho đàm phán.
Bộ trưởng thương mại 12 quốc gia TPP đã đàm phán marathon từ ngày 30-9.
Hồi rạng sáng 4-10 (giờ VN) Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari thông báo các bên đã đạt được bước tiến bộ lớn trong lĩnh vực bảo hộ bản quyền thuốc sinh học.
Trên trang web của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), thông cáo về buổi họp báo cũng được đăng tải.
Vòng đàm phán tại Atlanta lần này thực sự là một cuộc chạy marathon, từ hai ngày kéo dài sang 3 ngày rồi 4 ngày và bây giờ là 5 ngày.
Câu hỏi là điều gì đã xảy ra vào thời điểm cuối cùng của cuộc đàm phán, khi trước đó ít lâu các nhà đàm phán đã gần như chắc chắn giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng lại, sẵn sàng cho buổi họp báo buổi chiều ngày 4-10, giờ địa phương?
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, sự trì hoãn này được cho là xuất phát từ một yếu tố bất ngờ vào phút cuối, khi các thỏa thuận bên lề được công bố, nhà đàm phán các nước đã không muốn nhượng bộ cho những phát sinnh.
Có thể đã xảy ra tình huống: một vài thỏa thuận song phương, hay đa phương giữa một vài nước trong nhóm đàm phán đã không được thông báo cho tất cả thành viên.
Đây cũng là sự việc đã xảy ra tại vòng đàm phán ở Maui hồi tháng 7-2015 khi Hoa Kỳ và Nhật Bản có thỏa thuận song phương với nhau về vấn đề xe hơi nhưng cả Mexico và Canada đã không được thông báo và cuối cùng không đồng ý. Những phát sinh xuất hiện ngay thời điểm các nước ngồi lại với nhau để thống nhất tuyên bố chung đã làm cho các cuộc họp báo lần lượt bị dời lại.
Trong vấn đề sữa, vướng mắc ở việc mở cửa thị trường của Canada, hay New Zealand phút cuối tiếp tục đòi tiếp cận thị trường sâu hơn ở một số quốc gia dù hiện nay nước này chiếm 17% thị trường toàn cầu. Sữa đã là một vấn đề lớn với Canada, New Zealand, Mỹ, Nhật Bản ... 90% thị trường Canada hiện nay do các nông dân, doanh nghiệp nội địa chi phối, điều này vừa đảm bảo thu nhập cho người nông dân trong nước nhưng đang khiến giá sữa nội địa bị thao túng ở mức cao.
Một bất đồng nữa tưởng chừng như được thu hẹp ngày hôm trước là thời gian bảo hộ bản quyền các sản phẩm sinh học, thế nhưng cả Úc, Peru, Chile, Malaysia, New Zealand và Brunei tiếp tục phản đối nỗ lực của Hoa Kỳ muốn áp đặt khung thời gian giữ bảo hộ độc quyền 8 năm.
Các nước này cho rằng thời gian giữ độc quyền 5 năm là hợp lý đối với các chế phẩm sinh học. Đây chính là khó khăn lớn nhất của TPP bởi thực tế hiện nay Luật của Úc đang áp dụng bảo hộ 5 bản quyền năm nhằm đưa giá thuốc xuống nhanh, trong khi luật ở Nhật Bản và Canada là 8 năm riêng Hoa Kỳ là 12 năm.
Doanh thu hàng năm từ thị trường dược hơn 200 tỷ USD, và một nửa trong số đó là của các sản phẩm sinh học thế hệ mới. Chế phẩm sinh học đáp ứng nhu cầu điều trị ở những lĩnh vực mà các thuốc hóa dược không có hoặc ít có tác dụng và điều đặc biệt là các chế phẩm sinh học thường rất đắt.
Nhiều công ty công nghệ cao có tiếng nói bày tỏ quan điểm họ mức độ ủng hộ TPP tùy thuộc vào thời gian bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm sinh dược. Phía Hoa Kỳ cũng cho rằng việc bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ thời gian 12 năm cho phép các công ty dược phẩm có đủ chi phí đầu tư, khuyến khích sáng tạo không ngừng trong việc đưa ra sản phẩm mới ra thị trường.
Theo TTO