Các nhà đàm phán khí hậu chờ ý tưởng mới của Mỹ
Các đại biểu tham dự Hội nghị khí hậu của LHQ đang chờ đợi những ý tưởng mới mà Mỹ mang đến - có lẽ là hình thức gia tăng hàng tỷ USD - để nỗ lực đạt được một thỏa thuận cơ bản về kiểm soát tình trạng ấm nóng toàn cầu.
Mỹ phải tìm ra các cách đáp ứng nhu cầu cuộc họp khi nhiều nước hoài nghi rằng, mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính sẽ không vượt quá những gì mà Quốc hội nước này cho phép. Đồng thời, Mỹ cũng cần tìm ra nguồn tiền trong một ngân quỹ quá chật hẹp.
“Mỹ đã trở lại và Tổng thống Barack Obama sẽ tới Copenhagen để đặt Mỹ vào phía đúng đắn của lịch sử”, Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói.
Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đang trên đường tới Copenhagen thì các nhà đàm phán vẫn nỗ lực tìm kiếm dự thảo thỏa thuận về khí hậu. Theo lịch trình, ông Obama sẽ tới Đan Mạch vào hôm nay (18-12).
Những vấn đề chưa giải quyết được hiện nay tại hội nghị khí hậu là hoài nghi về mục tiêu cắt giảm khí thải của các nước công nghiệp, hàng tỷ USD mỗi năm cho quỹ hỗ trợ với những người nghèo đối phó với biến đổi khí hậu và thẩm tra các hành động của những cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ trong việc bảo đảm các cam kết giảm lượng khí thải được thực thi.
Đan Mạch - nước chủ trì hội nghị - cho hay, họ sẽ đưa ra một dự thảo khi các bộ trưởng nối lại đàm phán, nhưng tới giờ, hình thức hội đàm vẫn chưa được quyết định theo kiểu họp toàn thể hay từng nhóm nhỏ.
“Tôi vẫn tin vào khả năng đạt được một thành công thực tế”, quan chức khí hậu hàng đầu của LHQ Yvo de Boer nói. “24 giờ tới là thời khắc quyết định và cần được sử dụng có hiệu quả”.
Đoàn đại biểu Mỹ đã bác bỏ tài liệu mà họ cảm thấy rằng có thể trói buộc Washington sớm cắt giảm lượng khí thải trước khi Quốc hội hành động.
Trong một dấu hiệu tiến triển của hội nghị, 6 nước đã cam kết tổng số tiền 3,5 tỷ USD trong 3 năm - 1 tỷ USD từ Mỹ - để bảo vệ rừng trên thế giới. Số tiền này sẽ được chuyển cho những quốc gia đang phát triển để có kế hoạch làm chậm và thậm chí cuối cùng là chấm dứt nạn phá rừng.
Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong gói đề xuất 3 năm mà LHQ đưa ra ở mức ít nhất 30 tỷ USD cho các nước nghèo chuẩn bị đối phó với tình trạng nước biển dâng, khô hạn và các hậu quả nghiêm trọng khác do ấm nóng toàn cầu.
Nhật tuyên bố sẽ đóng góp một nửa ngân quỹ cần thiết, 15 tỷ USD “đạt được sự thống nhất về mặt chính trị” tại Copenhagen.
Hàng chục tổng thống và thủ tướng - những người đến sớm trong số 115 nguyên thủ sẽ dự hội nghị - đã kêu gọi thỏa thuận quyết định để cứu hành tinh khỏi sự tàn phá liên quan tới khí hậu.
Lịch trình đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ hôm nay là cuộc gặp riêng với đại biểu Trung Quốc.
“Chìa khóa là Trung Quốc và Mỹ”, đại biểu Indonesia Emil Salim nói. “Câu hỏi chính là Mỹ sẽ làm gì và vấn đề là Quốc hội Mỹ có cho phép chính phủ hành động hay không?”.
Phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Obama, Robert Gibbs nói, sự xuất hiện của các vị nguyên thủ trên toàn cầu sẽ tạo cơ hội cho “đột phá xảy ra”.
Bên ngoài hội nghị, cảnh sát đã chật vật trấn áp hàng trăm người biểu tình với yêu cầu “công bằng khí hậu”. 260 người biểu tình đã bị bắt giữ.
(Theo AP)