Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực: Đơn hàng dồi dào

Thứ hai, ngày 21/10/2019

(BDO)  Từ đầu năm đến nay, mặc dù kinh tế thế giới có chiều hướng tăng trưởng chậm lại, các yếu tố rủi ro gia tăng nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động ổn định, sản xuất hàng hóa, đơn hàng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành sớm kế hoạch năm 2019.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ An Khang (TX.Tân Uyên). Ảnh: TIỂU MY

Đơn hàng tăng khá

Ghi nhận cho thấy, đến thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đơn hàng đến hết năm 2019; lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước; nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định và dài hạn... Việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá đã giúp đưa chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng mạnh trong 10 tháng qua, tăng 14,07% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, dệt may, giày dép, gốm sứ, điện tử tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 10 tháng năm 2019 ngành gỗ xuất khẩu ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.

Đối với ngành dệt may, 9 tháng năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt 2,36 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,3% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Đến nay, các doanh nghiệp dệt may có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Tuy vậy, do tâm lý lo ngại trước rủi ro tỷ giá giữa các đồng tiền tiếp tục biến động theo diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, dẫn đến việc các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh chỉ ký kết với số lượng hạn chế và ngắn hạn, thay vì số lượng lớn như trước.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu giày dép tăng khá ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp giày dép trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm, với lượng đơn hàng xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong tháng 10-2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép ước đạt 402 triệu USD, tăng 3% so với tháng trước, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ động ổn định lao động

Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp phải chạy đua sản xuất để đáp ứng yêu cầu các đơn hàng, vì thế nhu cầu về lao động và tăng ca sẽ tăng cao. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã đăng tuyển dụng gấp lao động, kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất hoạt động trên lĩnh vực gỗ, may mặc, điện tử…

Để giữ chân người lao động, bà Phan Phương Linh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (TX.Tân Uyên), cho biết trước những biến động của thị trường lao động, công ty luôn tạo sự gắn bó lâu dài giữa người lao động với doanh nghiệp. Công ty quan niệm người lao động không là tài sản mà là cổ đông, là thành viên trong đại gia đình. Vì vậy, việc bảo đảm cuộc sống ổn định, thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động luôn được công ty thực hiện chu đáo.

 TIỂU MY