Các ngành dịch vụ chất lượng cao: Góp sức phát triển công nghiệp, đô thị Bình Dương

Thứ sáu, ngày 07/06/2019

(BDO) Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình số 24-CTr/TU ngày 16-8- 2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần để địa phương đáp ứng tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020.

 Trung tâm kho vận ICD TBS Tân Vạn

 Bước phát triển khá

Trong giai đoạn 2016-2018, các ngành dịch vụ chất lượng cao của tỉnh nhìn chung đều có bước phát triển khá. Việc phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao cũng tích cực hỗ trợ ngành công nghiệp tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng cao thông qua việc cung cấp tốt nhu cầu về vốn, công nghệ, thông tin, giải trí, giao thông, điện, nước, nguồn nhân lực.

Đối với ngành ngân hàng, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 66 tổ chức tín dụng đang hoạt động với 4 hình thức sở hữu gồm Nhà nước, cổ phần, liên doanh và 100% vốn nước ngoài; số lượng phòng giao dịch tăng từ 122 năm 2016 lên 173 năm 2018. Các hoạt động dịch vụ ngân hàng hiện đại tiếp tục phát triển; tăng trưởng tín dụng qua các năm luôn đạt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đề ra. Giai đoạn 2016-2018, vốn ngành ngân hàng huy động được 488.253 tỷ đồng; tổng dự nợ 452.168 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%/tổng dư nợ. Tỉnh cũng đã bổ sung nguồn vốn cho các quỹ ngoài ngân sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp với số tiền 600 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình số 24/CTr-TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy, khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được kết quả khả quan, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 23,45% năm 2016 lên 24,41% năm 2018. Trong quý II-2018, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng bến thủy nội địa, ICD - cảng sông trên địa bàn, qua đó thúc đẩy vận tải thủy phát triển. Quý IV-2018, tỉnh đã phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 với kinh phí thực hiện 195 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành các thủ tục mua sắm thay thế 37 xe buýt sử dụng năng lượng sạch (CNG, LNG), đưa vào vận hành quý II-2019.

Trên lĩnh vực thương mại, việc kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt. Đến nay, toàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại, 11 siêu thị và 106 chợ truyền thống, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cá nhân của người dân. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Bình Dương đầu tư vào lĩnh vực này với quy mô lớn như Aeon, Lotte, MM Mega Market, Co.opmart... Mức tăng trưởng lĩnh vực thương mại bình quân 18 - 20%/ năm. Bên cạnh đó, tỉnh đã định hướng phát triển mạnh thương mại điện tử trong thời gian tới. Hiện chỉ số thương mại điện tử (EBI) của Bình Dương đứng thứ 4 cả nước về mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử. Dự kiến, tháng 7-2019, tỉnh đưa vào thử nghiệm Sàn thương mại điện tử.

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng đều trong giai đoạn 2016- 2018; năm 2018 đạt 24,513 tỷ USD, tăng 31,3% so với năm 2015. Đặc biệt, đến nay tỉnh đã phát triển thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu mới thuộc nhóm công nghệ cao như điện thoại di động, máy vi tính, thiết bị điện tử, nông sản chất lượng cao. Trong khi đó, các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2.277 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ, có thể kể đến như Công ty TNHH Core Electronics, Công ty TNHH Keiden Việt Nam, Công ty KungBang VN…

Đối với lĩnh vực kho, cảng và vận tải chuyên dùng, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp logistics quy mô lớn, trình độ tiệm cận với các doanh nghiệp logistics hiện đại trong khu vực và trên thế giới như IDC Tân Cảng - Sóng Thần, U&I... Tháng 10-2018, Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Bình Dương được thành lập (Hiệp hội logistics thứ hai tại Việt Nam). Bên cạnh đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí đủ vốn thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng đường Mỹ Phước- Tân Vạn, cầu và đường nối vào cầu Thới An trên tuyến Vành đai 3 kết nối với đường ĐT748, đường Mười Muộn - Tân Thành. Cùng với đó, hiện trên địa bàn tỉnh có 27 tuyến xe buýt (tăng 7 tuyến so giai đoạn 2011-2015), trong đó có 17 tuyến hoạt động trong nội tỉnh, 10 tuyến buýt liên tỉnh, đã góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân.

Bảo đảm đúng định hướng

Để hội nhập sâu rộng và bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng đến xây dựng thành phố thông minh, trong thời gian tới Bình Dương tập trung thực hiện tốt đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển của tỉnh. Đối với ngành thương mại, bên cạnh tăng cường nâng cao chất lượng các loại hình thương mại như siêu thị, chợ, các điểm bán lẻ, tỉnh tập trung phát triển thương mại điện tử với trọng tâm kết nối cung cầu các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, hàm lượng công nghệ, tri thức trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đủ khả năng cung cấp nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Tỉnh cũng quan tâm nâng công suất, chất lượng phục vụ và mở rộng các cảng khô ICD hiện hữu, quy hoạch thêm hệ thống kho bãi chuyên dụng phục vụ phát triển logistics; tìm đối tác quốc tế nhiều kinh nghiệm để phối hợp phát triển mạnh dịch vụ logistics theo hướng chuỗi logistics khép kín, kết nối trong vùng, khu vực để dịch vụ này ngày càng phát triển sâu rộng, đồng bộ và hiện đại.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường công tác tiếp thị, mời gọi đầu tư ngay từ khâu duyệt quy hoạch với nhiều hình thức, cơ chế chính sách phù hợp nhằm phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao của tỉnh; phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm mang tính liên vùng, phát huy những lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh để phát triển dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa và bền vững.

 Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù nhiều chính sách, quy định của Trung ương mới có hiệu lực trong giai đoạn 2016-2018 nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua các nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể đã góp phần tích cực để Chương trình số 24-CTr/TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy đạt hiệu quả. Theo đó, tỉnh tập trung vốn đầu tư giải phóng mặt bằng các công trình giao thông mang tính trọng điểm, kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và gắn kết tận dụng lợi thế vùng. Bên cạnh đó, tỉnh đã kịp thời triển khai các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai đề án bảo đảm an ninh, phòng chống các loại tội phạm trong quá trình phát triển dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, các quỹ ngoài ngân sách như Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Đầu tư phát triển thường xuyên được bổ sung nguồn vốn đã hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho doanh nghiệp.

 PHƯƠNG LÊ