Các ngân hàng ưu tiên cho vay sản xuất, siết chặt cho vay bất động sản

Thứ bảy, ngày 05/05/2018

(BDO) Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, trong quý I-2018, tín dụng trung - dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại. Trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,6% thì tín dụng trung - dài hạn đã tăng tới 4,3% và hiện chiếm tới 53,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Theo lãnh đạo các ngân hàng, bên cạnh cho vay mua nhà, đất, cho vay để xây, sửa nhà trọ, phòng trọ hiện cũng phải tính vào tín dụng bất động sản. Ngoài ra, các khoản cho vay mua ô tô đều được tính vào tín dụng trung - dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chưa kể từ đầu năm 2018, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm còn 45% và đến đầu năm 2019 sẽ giảm về 40% theo quy định, nên các ngân hàng phải cân nhắc.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2018 dự kiến tăng 17% so với năm 2017 và tín dụng sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất cũng như 5 lĩnh vực ưu tiên. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước lưu ý các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực rủi ro cao như BOT, chứng khoán, bất động sản, cho vay tiêu dùng… chứ không phải hạn chế tín dụng, nhằm bảo đảm hiệu quả thu hồi dòng vốn, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, bảo đảm khả năng thanh khoản.

P.V