Các ngân hàng tăng tốc huy động tiền gửi từ đầu năm
(BDO) Ngay từ đầu năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang có một cuộc đua trong chính sách huy động vốn và cho vay vốn.
Các ngân hàng đang nỗ lực thu hút tiền gửi của khách hàng từ đầu năm. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng ở Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG
Nhiều chương trình thu hút tiền gửi
Ghi nhận những năm qua cho thấy, tháng giêng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư khá lớn, nhiều người đã chọn ngân hàng để gửi tiết kiệm. Để thu hút nguồn tiền này, nhiều ngân hàng đã triển khai chương trình khuyến mại đến khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Lệ, ngụ phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho hay sau Tết Nguyên đán, các ngân hàng thường có nhiều chương trình khuyến mại, do đó các cá nhân hay những doanh nghiệp nhỏ đang có nguồn vốn nhàn rỗi chưa sử dụng sẽ tranh thủ gửi tiền để nhận quà tặng giá trị. Chị cũng là một khách hàng trong số đó.
Tâm lý gửi tiền “săn” quà này được các ngân hàng nắm bắt tốt khi dồn dập tung ra các chương trình khuyến mại, lì xì hút khách dịp đầu năm. Chẳng hạn, từ ngày 12-12-2018 đến 28-2-2019, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức chương trình “Tết yêu thương - Xuân sum vầy” dành tặng hàng ngàn phần quà tổng giá trị khuyến mại hơn 3,6 tỷ đồng cho các khách hàng gửi tiết kiệm mới hoặc khách hàng đang sử dụng tài khoản thanh toán cùng BIDV SmartBanking và thẻ ghi nợ quốc tế/BSMS gửi tiết kiệm. Theo đó, khách hàng sẽ nhận được quà tặng ngay bằng tiền mặt theo bội số số dư tiền gửi; đồng thời còn được nhận ngay phiếu ưu đãi lãi suất tối đa lên tới 0,6%/năm.
Bên cạnh đó, quà tặng hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố thu hút khách hàng đến gửi tiền tại ngân hàng từ đầu năm. Vì thế, nhiều ngân hàng đưa ra các hình thức tặng quà như voucher mua sắm, bao lì xì, đồ vật sử dụng tương ứng với số tiền gửi, chuyến du lịch nước ngoài…
Điều tiết lãi vay hợp lý
Ở đầu cho vay, hiện các NHTM cổ phần đều lưu ý điều tiết lãi vay sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Tại NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Bình Dương, gần đây đã giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn VND thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Bình Dương, cho biết Vietcombank đang áp dụng lãi vay ngắn hạn VND tối đa là 6%/năm, thấp hơn 0,5% so với mức trần của NHNN. Ngân hàng còn giảm 0,5%/năm trong năm 2019 với các khoản vay trung dài hạn VND cho doanh nghiệp. Trong năm 2018, dư nợ cho vay áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay tại chi nhánh là 8.000 tỷ đồng, chiếm 65% tổng dư nợ, với số tiền ưu đãi lãi suất là 85 tỷ đồng, góp phần chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, khách hàng.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND tại các ngân hàng phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5 - 6%/năm. |
Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Dương, năm 2018 chi nhánh đạt kết quả kinh doanh tốt, cụ thể lợi nhuận trước thuế tăng 16,95%, thu dịch vụ ròng tăng 10,3%, tổng thu nhập từ bán lẻ tăng 22% so với năm 2017. Trong những ngày đầu năm 2019, chi nhánh tiếp tục thu hút rất đông khách hàng đến gửi tiền. Ngân hàng sẽ có chính sách cho vay hợp lý nhất đến khách hàng.
Việc đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm 2019 ở mức tăng trưởng 2 con số đòi hỏi NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nỗ lực lớn ngay từ đầu năm. Ông Phạm Thanh Kỳ, Giám đốc Sacombank chi nhánh Bình Dương, cho hay với thế mạnh bán lẻ vốn có, trong năm nay ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh mãng cho vay nhỏ lẻ, trong đó phải kể đến mảng tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vay tiêu dùng, vay mua nhà.
Tại cuộc họp đánh giá về hoạt động ngân hàng năm 2018 vừa qua, ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương, thông tin dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng 15,12% so năm 2017, đạt 175.817 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này đã đáp ứng được nhu cầu vốn của địa phương. Điều đáng nói, việc cung ứng vốn của các ngân hàng cho nền kinh tế địa phương đã đi đúng định hướng (vốn vay phục vụ các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của ngành ngân hàng). Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn doanh nghiệp vay vốn tín dụng ngân hàng lãi suất 6 - 11%/năm tùy vào kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn.
Theo đánh giá chung, ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiêp và nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh linh hoạt lãi suất trên thị trường mở để hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay với thời điểm và liều lượng phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đang cho thấy sự nỗ lực ngay từ đầu năm để đạt được những kế hoạch đề ra.
Ngân hàng Nhà nước khảo sát cho vay tiêu dùng
NHNN Việt Nam đang khảo sát các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh về tình hình tín dụng tiêu dùng, đồng thời thu thập các ý kiến, kiến nghị từ các cơ quan hữu quan. Trước đó, đoàn khảo sát đã chọn những địa bàn trọng điểm ở khu vực phía Bắc và tới đây sẽ đến các khu vực miền Trung - Tây nguyên…
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết NHNN sẽ khảo sát tình hình tín dụng tiêu dùng ở nhiều địa phương để ghi nhận các ý kiến đóng góp cụ thể liên quan đến những vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng mắc cụ thể của từng tổ chức tín dụng và người vay. Từ việc bám sát thực tiễn nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống từ nhiều nguồn khác nhau, NHNN sẽ có những văn bản pháp lý và hướng dẫn cụ thể để hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng.
K.T
THANH HỒNG