Các ngân hàng tăng cho vay tiêu dùng

Thứ bảy, ngày 13/06/2015

Năm 2011, mảng cho vay tiêu dùng hay cho vay cá nhân được xem và phân loại vào nhóm cho vay phi sản xuất và bị hạn chế tăng trưởng. Nhưng từ cuối năm 2012, khi mức trần cho vay lĩnh vực này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dỡ bỏ thì hoạt động cho vay thể nhân được các NH đẩy mạnh.

(BDO)

Kích thích vay tiêu dùng được xem là kênh tín dụng khá tốt để tăng trưởng tín dụng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại NH TMCP Phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh Chi nhánh Bình Dương

Đa dạng sản phẩm tín dụng cá nhân

Tuy mảng cho vay cá nhân có những hạn chế nhất định về giá trị hợp đồng (thường thấp hơn so với doanh nghiệp), số lượng tài khoản và số hồ sơ lớn nhưng số giao dịch thấp… nhưng trong 2 năm gần đây, mảng cho vay thể nhân đang là cửa thoát hiểm với nhiều NH khi tín dụng doanh nghiệp (DN) tăng chậm và rủi ro cao. Chính vì vậy, các NH liên tục đưa ra nhiều gói hỗ trợ vay tiêu dùng, dịch vụ mở rộng mạng lưới thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ… Điểm chung của những gói vay tiêu dùng này là lãi suất rất cạnh tranh, người vay được hưởng nhiều ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn.

Cụ thể, NH Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có chương trình “Vui ngày hè, nhẹ lãi suất” dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mua ô tô, nhà đất, kinh doanh, tiêu dùng với lãi suất cố định chỉ từ 6,99%/năm. Ngoài ra, NH này dành thêm hạn mức 1.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp, không cần tài sản bảo đảm, mức vay tối đa là 500 triệu đồng, kỳ hạn 60 tháng. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đưa ra gói 3.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho vay khách hàng cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu mua, xây dựng, sửa chữa bất động sản, mua ô tô hoặc nhu cầu tiêu dùng. Khách có thể vay đến 100% nhu cầu, thời hạn vay đến 20 năm, lãi suất ưu đãi từ 6,88%/năm.

Nhiều NH lớn như NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)… cũng triển khai gói “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Tổ ấm vẹn toàn” cho vay bất động sản dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất trả nợ vốn vay phù hợp thu nhập thực tế.

Kích thích dòng vốn

Theo các NH, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng không chỉ giúp khơi thông dòng vốn mà còn tạo động lực kích cầu cho toàn thị trường. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bắc Bình Dương cho biết, từ 2 năm qua, đặc biệt là từ đầu năm 2015 đến nay, VCB đã triển khai hàng chục gói cho vay ưu đãi trị giá hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ DN, cá nhân. Dư nợ cho vay bán lẻ từ đầu năm đến nay của NH đạt trên 200 tỷ đồng (mục tiêu kế hoạch năm 2015 là 250 tỷ đồng). Hiện tỷ lệ cho vay mảng tiêu dùng đã nâng lên khoảng 17% so với mức 10% năm 2014. Theo ông Quang, lãi suất cho vay đối với mảng bán lẻ đã được NH điều chỉnh về mức hợp lý và không còn rào cản đối với khách hàng tiếp cận vốn.

Tại BIDV Chi nhánh Bình Dương, dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 6-2015 dự kiến chiếm khoảng 15% trên tổng dư nợ cho vay khối khách hàng cá nhân; nợ xấu trong nhóm này chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng nợ xấu của BIDV. Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Dương, tín dụng cá nhân, đặc biệt là cho vay mua xe ô tô, nhà, bất động sản tăng trưởng ổn định và có xu hướng phát triển tốt trong năm nay. Một phần là do lãi suất vay nói chung đã giảm khá mạnh xoay quanh mức 10%/năm, cộng với giá bán các sản phẩm tiêu dùng như căn hộ, bất động sản, ô tô, đồ trang trí nội thất, gia dụng… cũng đã dần hợp lý hơn. Đây là thời điểm thuận lợi để vay tiêu dùng. NH kỳ vọng, trong năm 2015 tín dụng cá nhân sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Ông Linh cũng cho rằng, đa phần khách hàng đều quan tâm phong cách phục vụ của cán bộ tín dụng, quy định cho vay và lãi suất. Thực tế, trong một thời gian dài vừa qua (2010-2012) lãi vay tiêu dùng có lúc lên trên 15%/năm nên cá nhân có nhu cầu vay cũng không dám vay do áp lực trả lãi lớn. Đến nay, khi tình hình kinh tế đã tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản các NH tốt thì việc giữ lãi suất vay tiêu dùng ở mức hợp lý mà cách các NH hướng đến.

 

 Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương cho biết, từ năm 2011 đến nay, các NH thương mại đã thay đổi chiến lược kinh doanh của mình, tập trung vào chất lượng thay vì quảng cáo hình ảnh. Cùng với đó, mảng cho vay cá nhân cũng được nhiều NH quan tâm do cho vay cá nhân phân tán rủi ro, lợi nhuận khá cao, chi phí thấp… và điều này cũng tạo tiện lợi cho khách hàng. Do đó, ngoài việc tập trung cho vay DN, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, các NH thương mại cần đa dạng hóa các sản phẩm cho vay cá nhân, đồng thời áp dụng lãi vay “nhẹ nhàng” hơn để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng đạt mục tiêu kỳ vọng

 

THANH HỒNG