Các ngân hàng đua tăng lãi suất tiết kiệm
(BDO)
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bản Việt. Ảnh: THANH HỒNG
Xu hướng tăng lãi suất huy động
Sau đợt tăng lãi suất huy động trong quý III, ngay từ những ngày đầu tháng 10 này, các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất hoặc giữ ở mức cao đối với các khoản tiền gửi dài hạn để hút vốn cho đợt kinh doanh cuối năm. Khảo sát biểu lãi suất của một số ngân hàng cho thấy, khác với trước đây, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng các ngân hàng thường nâng lãi suất kỳ hạn ngắn ngày để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư thì hiện nay xu hướng trên được các nhà băng điều chỉnh ngược lại.
Theo đó, lãi tiết kiệm kỳ hạn dài ngày được điều chỉnh tăng khá mạnh, trong khi huy động ngắn ngày lãi suất không điều chỉnh. Cụ thể, tại Ngân hàng Bản Việt, mức lãi suất huy động tối đa lên đến 8,9%/ năm, tăng 0,2% so với thời điểm cuối tháng 8-2019, áp dụng cho các khoản tiền gửi tái tục từ 100 triệu đồng kỳ hạn 15 tháng. Cùng mức tiền gửi tối thiểu này, lãi suất lần lượt là 8,5%/năm và 8,7%/năm đối với kỳ hạn 6 và 12 tháng. Nhà băng này còn tặng kèm theo quà khuyến mại khi khách gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, các mức lãi suất này nằm trong chương trình ưu đãi mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) và chỉ kéo dài từ ngày 14 đến 15-11.
Tương tự, trong khuôn khổ chương trình ưu đãi chào thu, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) áp dụng lãi suất lần lượt 8,1%/năm, 8,2%/ năm và 8,3%/năm cho khách hàng cá nhân tham gia sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền, kỳ hạn 6, 9 và 13 tháng. Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)… áp dụng mức tăng lãi suất cao nhất với sản phẩm tiết kiệm phổ biến kỳ hạn 12 tháng hoặc gửi tối thiểu 3 tỷ đồng kỳ hạn 15 tháng tại quầy được hưởng mức tăng lãi suất lên đến 0,4%, đạt mức 7,1%/ năm. Hiện mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này là 7,4%/ năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm online qua FMB/FIB (dịch vụ ngân hàng số) kỳ hạn 18 tháng. Trong khi đó, cùng hình thức tiết kiệm này, lãi suất các kỳ hạn 19, 20 và 24 tháng giảm 0,3%, còn 6,9%/năm.
Không chỉ ngân hàng thương mại cổ phần nâng lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối cũng tăng nhẹ lãi suất. Điển hình như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đang áp dụng mức lãi suất cao nhất trong nhóm là 7%/năm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng.
Như vậy, có thể thấy, sau thời gian có xu hướng trầm lắng, thậm chí một số ngân hàng lớn còn giảm lãi suất huy động ngắn hạn, thời điểm này các ngân hàng đang bước vào cuộc đua thu hút tiền nhàn rỗi ở kỳ hạn dài.
Doanh nghiệp lo giảm lợi nhuận
Có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động đi lên. Theo lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, lãi suất tăng chỉ xảy ra cục bộ tại một số ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình chứ không phải toàn bộ hệ thống ngân hàng. Việc điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút vốn, vì vào cuối năm nhu cầu vay của doanh nghiệp thường tăng lên.
Trong khi đó, ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn, nhất là dịp cuối năm 2019 thời hạn thực hiện quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% xuống còn 40% và giảm còn 30% vào năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Tức là các ngân hàng không còn được dùng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn như trước, nên phải điều chỉnh thu hút dòng vốn dài hạn.
Trên thực tế, lãi suất huy động VND đi lên được cho là có tác động hai chiều. Trước hết, lãi suất huy động tăng có tác dụng ngược với nền kinh tế, đó là hãm đà tăng của nền kinh tế bởi lượng tiền vào nền kinh tế giảm đi. Song song đó, lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng, tức là tín dụng được thắt chặt, làm giảm tín dụng đối với nền kinh tế, giúp Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ kiểm soát được lạm phát. Trong khi đó, kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua và từ nay đến cuối năm 2019. Do vậy, mức lãi suất tiết kiệm tăng cũng khiến doanh nghiệp lo lắng.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hiệp Long, bày tỏ lo ngại về khả năng lãi suất cho vay đi lên. Ông cho biết nếu vay ngân hàng với lượng tiền lớn mà lãi suất tăng sẽ đội chi phí của doanh nghiệp, lợi nhuận sẽ giảm đi đáng kể. Vì thế, công ty đang tính đến nhiều phương án để tiết giảm chi phí.
Đại diện một doanh nghiệp trong ngành nhập khẩu thiết bị điện cho biết, dù các ngân hàng chưa thông báo điều chỉnh tăng lãi vay nhưng điều thấy rõ của cuộc đua tăng lãi suất huy động lúc này chắc chắn tới đây sẽ tác động đến doanh nghiệp. Bởi ngoài việc không còn được hưởng lãi suất ưu đãi, các doanh nghiệp sẽ còn chịu lãi suất cao hơn khi lãi suất huy động tăng. Đây là điều bình thường khi đầu vào của ngân hàng tăng lên. Tuy vậy, điều này sẽ gây ra ít nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong những ngày tới.
THANH HỒNG