Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp
(BDO)
Các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2%.
Các tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đồng thuận cam kết giảm lãi suất và chia sẻ những kết quả đạt được trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đồng thời kiến nghị, đề xuất tháo gỡ nhiều khó khăn các vướng mắc đang gặp phải.
Giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ
Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 13/7, ông Trần Văn Tần - thành viên Hội đồng quản trị VietinBank cho biết do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm, khiến cho hoạt động ngân hàng rất khó khăn. Dù vậy, VietinBank vẫn nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% rất tích cực, với dư nợ đạt được là trên 10.000 tỷ đồng; tích cực triển khai cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và tín dụng đối với nhà ở xã hội…
“VietinBank cam kết sẽ đi đầu trong việc triển khai cơ chế chính sách từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cũng như các cam kết và đồng thuận cùng các tổ chức hội viên. Với lời kêu gọi của Hiệp hội về giảm lãi suất 1,5%-2%, VietinBank sẵn sàng hưởng ứng,” ông Tần khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Trung - thành viên Hội đồng Thành viên Agribank, cho hay từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã có nhiều lần giảm lãi suất huy động và 7 lần giảm lãi suất cho vay. So với đầu năm 2023, lãi suất cho vay bình quân hiện nay của ngân hàng đã giảm 1%.
Cũng theo lãnh đạo Agribank, về việc cơ cấu nợ theo Thông tư 02, ngân hàng đã thực hiện được cho hơn 2.003 khách hàng với giá trị là 23.400 tỷ đồng và giảm 3% lãi suất cho các khách hàng bất động sản.
Ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ dù có quy mô nhỏ nhưng trong 6 tháng đầu năm, TPBank đã tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, với tổng số dư nợ được hỗ trợ lãi suất đến hết 6 tháng là 44.000 tỷ đồng… Ngoài ra, ngân hàng cũng tích cực giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Tại hội nghị, các tổ chức hội viên tham dự đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5%-2% đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Và một loạt kiến nghị “nóng”
Để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB và ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Tổng Giám đốc TPBank cùng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại các quy định áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN cho phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét hoãn thời hạn áp dụng tỷ lệ 30% thay vì đến hạn ngày 30/9/2023, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Đối với Thông tư 02, lãnh đạo 2 ngân hàng trên đề nghị xem xét kéo dài thời gian áp dụng, thay vì chỉ 12 tháng như hiện nay.
Với hoạt động thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, lãnh đạo OCB cho biết đa phần tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản. Do đó, để tháo gỡ những khó khăn liên quan đến hoạt động này chỉ mình Ngân hàng Nhà nước là chưa đủ, cần có sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo ông Tùng, nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường có những hướng dẫn cụ thể để các địa phương phối hợp và hỗ trợ ngành ngân hàng, thì việc xử lý và thu giữ tài sản bảo đảm sẽ thông thoáng hơn rất nhiều.
Đặc biệt, với thực trạng một số ngân hàng đang đối mặt với “rủi ro danh tiếng,” ông Tùng đề nghị cần phải có các quy định pháp luật để nâng cao trách nhiệm của người đi vay, cần xây dựng văn hóa vay nợ văn minh và “có vay có trả.”
Nghiệp vụ ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro từ việc gửi tiền, từ việc cho vay, và từ dịch vụ thanh toán hộ khách hàng. Do đó, người làm ngân hàng cần phải ý thức rõ được đặc thù nghề nghiệp của nghề ngân hàng, để hiểu và tuân thủ những yêu cầu, quy định khắt khe của ngành, trong đó rất quan trọng là những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Với lý do như vậy, ông Tùng đề nghị, Hiệp hội Ngân hàng tăng cường đào tạo và truyền thông về Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, để người làm ngân hàng nắm rõ và thực hiện.
Đối với hoạt động chuyển đổi số, ông Nguyễn Thành Đô - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành hành lang pháp lý cho ngân hàng số cũng như đưa ra một số mô hình tiên phong để các ngân hàng nhìn vào và phát triển.
Với các đề xuất và kiến nghị tháo gỡ khó khăn được các lãnh đạo ngân hàng nêu ra, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết sẽ tập hợp lại để báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ và Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước./.
Theo TTXVN