Các mô hình kinh tế hợp tác: Đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới
(BDO) Một trong những tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là mỗi xã NTM phải có tổ hợp tác (THT) hoặc hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở đó, việc quan tâm phát triển loại hình kinh tế tập thể (KTTT) là biện pháp hữu hiệu để phát huy nguồn lao động dồi dào của khu vực nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Từ đó góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM ở các địa phương.
Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP của HTX Nông nghiệp Bông Sen (Phú Giáo) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng NTM
Thực hiện tiêu chí chung, trong thời gian qua các mô hình KTTT được tỉnh, ngành liên quan, các địa phương quan tâm củng cố và phát triển. Các xã NTM của tỉnh đã chú trọng thành lập các HTX hoặc THT theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, vừa nâng cao thu nhập người dân vừa bảo đảm nâng cao chất lượng NTM.
Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, hoạt động hiệu quả đã phát huy tốt vai trò trong việc nâng cao năng lực kinh tế hộ gia đình tại các xã NTM. Với việc đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, các HTX, đặc biệt là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng NTM ở các địa phương trong tỉnh. Nhiều HTX, THT đã trở thành những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Được thành lập đầu năm 2013, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) hiện có 8 thành viên. Mô hình sản xuất của HTX là trồng dưa lưới trong nhà kín với tổng diện tích hơn 3 ha. Trước đây, khi chưa thành lập HTX sản lượng dưa lưới của các thành viên không nhiều, khó ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đơn vị. Từ khi thành lập HTX, sản lượng dưa lưới mỗi đợt thu hoạch tăng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, cho biết tham gia HTX các thành viên chia sẻ kiến thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm đạt được chất lượng cao, được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Hàng năm, HTX và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt 9 - 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại xã NTM Phú An, TX.Bến Cát, THT chăn nuôi bò sữa duy trì hoạt động ổn định từ nhiều năm nay. THT hiện có 11 thành viên, tổng đàn bò sữa hơn 120 con. Tham gia THT, nông dân có nhiều thuận lợi hơn trong chăn nuôi, nhất là về nguồn vốn hỗ trợ và kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, THT hoạt động ổn định, sản lượng sữa bò đáp ứng tốt yêu cầu của các đơn vị thu mua.
Hoạt động hiệu quả
Để tiếp tục phát huy vai trò của HTX, THT trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác. Theo ông Trần Xuân Trà, Chủ tịch UBND xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, xây dựng NTM gắn với đẩy mạnh phát triển KTTT, mà nòng cốt là HTX là một chiến lược quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM.
Theo đó, Đảng ủy xã đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT với 13 thành viên, quy định chức năng, nhiệm vụ và phân công các thành viên phụ trách đơn vị theo từng ấp trên địa bàn để nâng cao hơn nữa hiệu quả của khu vực KTTT. Sau khi nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, xã chủ động hướng dẫn thành lập các HTX, THT đa dạng về hình thức với quy mô phù hợp, đồng thời tạo bước tiến quan trọng trong quá tình xây dựng NTM theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra. Hiện trên địa bàn xã có 1 HTX, 1 THT và 3 tổ liên kết. Các HTX, THT, tổ liên kết đều hoạt động hiệu quả, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hội viên, hàng năm đều có lợi nhuận.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh, cho biết trong thời gian qua các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, biết lựa chọn hướng đi phù hợp để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhiều HTX đã mạnh dạn phát triển thêm nhiều dịch vụ, tổ chức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân theo mô hình liên kết chuỗi mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, nhiều HTX đã tích cực tham gia xây dựng NTM, thực hiện các dịch vụ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho xã viên sản xuất thuận lợi, hiệu quả, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn của tỉnh.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho các HTX có nhu cầu theo mục tiêu cho vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh. Cùng với đó, đơn vị tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng NTM; phấn đấu năm 2020 lĩnh vực KTTT, mà nòng cốt là HTX có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh nhà.
Có thể nói, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở các xã NTM trong tỉnh phát triển ổn định đã khẳng định kết quả tích cực từ chương trình xây dựng NTM mang lại. Từ đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo đòn bẩy cho quá trình gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
THOẠI PHƯƠNG