Các loại sữa lại bắt đầu “làn sóng” tăng giá mới!
Trong những ngày giữa tháng 10, người tiêu dùng lại phải đối mặt với “làn sóng” một số hãng sữa tiếp tục tăng giá lên trung bình từ 5 - 10%, tập trung vào nhóm hàng sữa nước và sữa đặc.
Cuối tuần qua, các điểm kinh doanh, bán sỉ, bán lẻ tại địa bàn TX.TDM đã đồng loạt áp dụng giá bán một số sản phẩm sữa chua, sữa đặc và sữa bột với mức tăng giá từ 2 - 5%. Cụ thể, sữa đặc cao cấp có đường Cô gái Hà Lan (loại 380g) 19.000 đồng/hộp (tăng 1.000 đồng/hộp), sữa tươi có đường Cô gái Hà Lan (loại 180ml) 216.000 đồng/thùng (tăng 2.000 đồng/thùng). Sữa nước Milo (loại 180ml) từ 195.000 đồng/thùng tăng lên 210.000 đồng/thùng.
Một khi các quy định về kiểm soát giá sữa không đủ “sức” để quản lý giá sữa thì vẫn còn kẽ hở để các nhãn hiệu sữa “lách” luật, thiệt thòi vẫn nghiêng về người tiêu dùng
Các đại lý, cửa hàng kinh doanh sữa cho biết, trong danh sách các sản phẩm sẽ áp dụng giá mới trong những ngày tới đây còn có sữa bột Friso và Enfa, giá tăng khoảng 7%. Trong đó, sữa bột Friso các loại có mức giá tăng thêm 5.000 đồng/hộp, Friso 3 lên 315.000 đồng/hộp (loại 900g); Enfa A+ 3 loại 1,8kg tăng 545.000 đồng/hộp. Ngoài ra, sữa bột Dielac 123, giá tăng thêm 5%, sữa nước Dielac tăng lên 2%... Các đại lý sữa cho biết, sở dĩ giá sữa tăng là do giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng mạnh, nhiều hãng sữa cắt giảm phần chiết khấu hoa hồng cho nên họ phải bù đắp lại phần thiếu hụt này bằng việc tăng giá bán.
Theo nhận định của các ngành quản lý, cơ chế quản lý giá sữa của chúng ta có thể phải cần tiếp tục hoàn thiện thêm. Bởi, trong khi lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với sữa và các sản phẩm của sữa theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phải đến năm 2012 mới có hiệu lực, thì đến nay chúng ta đã thực hiện giảm thấp hơn cả mức cam kết với WTO. Tuy nhiên, giá sữa vẫn tăng điều và lợi ích từ việc giảm thuế đó người tiêu dùng không được hưởng, lợi nhuận trực tiếp rơi vào túi của các nhà nhập khẩu.
Theo Trưởng phòng Giá Công sản - Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, tại thị trường Bình Dương, sữa hiện nay được nhập về từ nhiều nguồn khác nhau trong đó khối lượng sữa cũng như đơn vị làm đầu mối nhập rất ít do đó biện pháp kiểm soát giá nằm trong tay các ngành chức năng địa phương rất hạn chế và chỉ quản lý một số lượng ít chứ không quản lý toàn bộ. Chính vì thế, báo cáo sơ kết của Sở Tài chính qua đợt kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sữa trên địa bàn tỉnh thì có 19/21 đơn vị là nhà phân phối của các công ty sữa như Vinamilk, Duch Lady... chấp hành khá tốt các quy định về niêm yết giá, bán theo giá của nhà phân phối tại nơi kinh doanh mua bán. Về lâu dài, muốn công tác quản lý thị trường sữa cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng có hiệu quả thì các ngành chức năng của các địa phương cùng phối hợp thường xuyên mới có khả năng kiềm chế cũng như kiểm soát được giá sữa, chứ làm kiểu đánh trống bỏ dùi, sẽ không đi đến đâu.
TRÚC HUỲNH