Các làng nghề truyền thống: Vất vả vượt “vũ môn”

Thứ ba, ngày 22/05/2012

Câu hát ru từng lắng đọng trong lòng bao người dân đất Thủ: “Chiều chiều mượn ngựa ông Đô/ Mượn ba chú lính đưa cô tôi về/ Đưa về chợ Thủ/ Bán hủ bán ve/ Bán bộ đồ chè/ Bán cối đâm tiêu...” ít nhiều đã phản ảnh những sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống đất Bình Dương. Những sản phẩm này đã góp phần làm nên một Bình Dương khác biệt, hấp dẫn trong mắt bạn bè và là niềm tự hào của người dân Bình Dương. Đây cũng là kế sinh nhai của người dân tại địa phương suốt hàng trăm năm qua. Song, điều đáng buồn là các làng nghề với hàng trăm năm tuổi này đang dần mai một!

Khó khăn của làng nghề!

Khác với các KCN trên địa bàn ngày càng phát triển, thu hút một lực lượng lớn lao động (LĐ), thì các làng nghề ở Bình Dương đang ngày càng bị thu hẹp, số LĐ theo nghề rơi rụng dần! Đến với làng nghề tăm nhang ở Dĩ An, không còn được nhìn thấy cảnh nhà nhà chẻ tre, không còn được nghe tiếng chẻ tre lụp cụp như xưa. Qua trò chuyện, những “kiện tướng” làm nhang nổi tiếng một thời của làng nghề này như chị Kiều Thị Lãnh, Phạm Thị Hải Thúy, Trần Thị Lệ Huyền... đều cho biết: “Làng nghề im ắng là do khó khăn đủ thứ. Tre để làm nhang thì ngày càng khan hiếm, có khi đặt trước 3 tháng mà vẫn không có tre để làm. Còn giá cả đầu ra thì quá thấp, trong khi yêu cầu của thị trường ngày càng nghiêm ngặt, nên nhiều người phải bỏ nghề!”!

Nằm trong khuôn khổ Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề có 10 đề án được ưu tiên, trong đó có các đề án khôi phục và bảo tồn các nghề và làng nghề truyền thống, như: Mây tre đan (Lạc An - Tân Uyên, Phú An và An Điền - Bến Cát); guốc mộc và chày cối thớt (Hưng Định - Thuận An); chạm trổ điêu khắc (Phú Thọ, Chánh Nghĩa - Thủ Dầu Một và An Thạnh - Thuận An); sơn mài (Tương Bình Hiệp và Tân An - Thủ Dầu Một); mộc gia dụng mới (Mỹ Phước - Bến Cát); đan len, may mặc (Tân Đông Hiệp - Dĩ An)...

 

Khác với làng nghề tăm nhang, các làng nghề gốm sứ còn gặp thêm khó khăn do phải di dời để tránh gây ô nhiễm môi trường (ONMT) khu dân cư. Ông Lý Châu Lâm, Hiệp hội Gốm sứ Thuận An, cho biết: “Hầu hết cơ sở gốm sứ trước đây đều đan xen trong khu dân cư nên phải di dời để tránh gây ONMT. Do vậy mà các cơ sở này không đầu tư thêm, chỉ làm cầm chừng để chuẩn bị di dời”.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các làng nghề càng chật vật hơn bởi thiếu vốn, lãi suất tiền vay cao, giá cả đầu vào cao đầu ra thấp! Chính vì không được “tiếp lửa” nên các làng nghề rơi vào tình trạng lỗ lã triền miên! Cũng vì quá khó khăn mà “văn hóa kinh doanh” tại các làng nghề ngày càng xuống dốc, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, giựt mối, bán phá giá... khiến tình hình càng thêm ảm đạm! Những bậc tiền bối của các làng nghề như chị Kiều Thị Lãnh (làng tăm nhang Dĩ An), chị Năm Giang (làng chày cối thớt Lái Thiêu), chú Tám Khiêm (làng sơn mài Tương Bình Hiệp) đều ngậm ngùi: “Nhìn nghề gia truyền chết dần chúng tôi rất đau lòng. Chúng tôi chỉ ước có vốn để đầu tư phát triển nghề, để nghề lại có thể nuôi người, làng nghề lại mua bán tấp nập như xưa!”.

Những “cánh chim  dầu đàn”

Để vượt qua khó khăn, bắt kịp tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, một số cơ sở của các làng nghề đóng vai trò “cánh chim đầu đàn” đã bứt phá, vượt khó để vươn lên. Tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, khi gặp khó khăn đầu ra thay vì ngồi chờ khách hàng đến đặt hàng, một số chủ cơ sở đã chủ động đi tìm khách hàng. Chị Nguyễn Mai Khanh, chủ cơ sở Khanh Tươi, kể: “Do một thời gian dài không có khách hàng, thay vì tiếp tục ngồi chờ thì em chủ động ôm mấy cục hàng đi tìm khách. Tới đâu em cũng tìm cách lân la hỏi mấy ông xe ôm chỗ nào bán tranh ảnh, rồi nhờ chở đến để năn nỉ họ cho ký gửi hàng. Nhiều người chưa nhìn thấy sản phẩm đã đuổi em như đuổi ma. Đói khát, thất vọng, tủi thân đến rơi nước mắt, nhưng em vẫn kiên trì, không bỏ cuộc. Cứ qua hàng chục chỗ bị từ chối cũng tìm được vài chỗ cho ký gửi sản phẩm. Kiên trì một thời gian thì có đơn đặt hàng và đến nay những nơi nhận hàng ký gởi ngày đầu đều trở thành khách hàng thân thiết của cơ sở sơn mài Khanh Tươi”. Còn Giám đốc Công ty Tư Bốn Lê Bá Linh thì cho biết công ty của ông có được các đơn hàng xuất khẩu là nhờ sớm xây dựng trang website để tự giới thiệu sản phẩm. 

Một số cơ sở của các làng nghề truyền thống đã cố gắng bứt phá vươn lên, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn

Khác với những khó khăn của làng nghề sơn mài, các cơ sở thuộc làng nghề chày cối thớt ở Thuận An thì vượt qua khó khăn, vươn lên bằng cách liên kết cùng làm ăn. Anh Nguyễn Hữu Tài và chị Lê Thị Hòa, chủ cơ sở cối chày thớt Phương Quang ở Thuận An nhớ lại: “Trước tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các cơ sở cùng nghề ở các nơi, từ năm 1987 chúng tôi đã bàn nhau, để sống còn chỉ còn cách là phải cơ giới hóa dây chuyền sản xuất. Nói thì dễ nhưng làm thì khó, bởi ai cũng nghèo thì lấy đâu ra tiền để cơ giới hóa! Sau một thời gian bàn bạc, có 3 cơ sở chấp nhận liên kết góp vốn làm ăn chung. Không có tiền thì ai có gì góp nấy. Người có máy cưa góp máy cưa, người có máy tiện góp máy tiện, người khác thì góp máy chà bóng... Nhờ liên kết mà sản phẩm làm ra nhiều hơn với giá thành hạ nên bán chạy, cơ sở liên kết vượt qua được khó khăn. Đến khi đủ khả năng, chúng tôi tách ra làm 3 cơ sở và cả 3 đều là những cơ sở mạnh của làng nghề đến nay”.

Làng nghề nào cũng có những “cánh chim đầu đàn” đi đầu vượt khó để cả làng nghề đi theo. Chính những “cánh chim đầu đàn” này đã “tiếp lửa” cho những làng nghề tồn tại, giúp giữ được nghề và tạo được công ăn việc làm ổn định cho LĐ ở nông thôn. Tuy nhiên, trước sự lớn mạnh của các KCN, của các DN công nghiệp, dòng chảy LĐ đang nghiêng về những nơi có mức lương hấp dẫn hơn nên số LĐ theo nghề ngày càng vơi dần, các làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không được tiếp sức kịp thời!

Và, sự quan tâm từ Nhà nước

Trước đây, các làng nghề truyền thống hoạt động theo quy luật “cá vượt vũ môn”, nhưng họ vẫn sống, vẫn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, kể từ khi sản phẩm các làng nghề bị xâm lấn bởi các DN sản xuất công nghiệp thì cả làng đều chết! Nhằm bảo tồn các làng nghề, ông Phan Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Bình Dương, cho biết: “Kể từ năm 2011 Sở Công Thương giao mảng làng nghề truyền thống cho Sở NN-PTNT quản lý nên chúng tôi chỉ mới dừng lại ở các hoạt động hỗ trợ như mời gọi DN, cơ sở tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm và thương hiệu, thúc đẩy hoạt động giao thương. Mới đây, chúng tôi tiếp tục xây dựng đề cương cho 2 dự án bảo tồn và phát triển các làng nghề, gồm làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp và Tân An (TX.Thủ Dầu Một); dự án gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh (TX.Thuận An). Đây là 2 dự án được ưu tiên thực hiện từ nay đến 2015”.

Ông Nam cho biết thêm, để khôi phục, phát triển các ngành nghề nông thôn và kịp thời hỗ trợ các cơ sở, DN nông thôn, Sở NN-PT NT cũng đã xây dựng Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề với 10 đề án ưu tiên. Cùng với chương trình khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 3530/QĐ-UBND, phê duyệt các giải pháp về cơ chế chính sách tài chính, tín dụng, thuế, đất đai, đào tạo nghề, khuyến công, tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm với khái toán vốn 8.384 tỷ đồng cho giai đoạn từ 2011-2020, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ là 127,8 tỷ đồng, các nguồn vốn khác là 8.257 tỷ đồng.

Các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là tín hiệu vui cho các ngành nghề nông thôn và làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, để “vượt vũ môn” bà con các làng nghề chắc chắn sẽ còn nhiều vất vả...

BẢO ANH