Các khu, cụm công nghiệp: Tập trung phát triển theo hướng chủ lực, chuyên môn hóa

Thứ hai, ngày 14/02/2022

(BDO)  Cuối năm 2021 vừa qua, Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng đã thông qua chương trình quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp (KCCN) trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2030. Theo chương trình này, huyện sẽ quy hoạch gần 8.000 ha đất cao su phát triển KCCN. Theo đó, trong giai đoạn 2021- 2030, huyện dự kiến sẽ phát triển 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 7.057 ha, 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 910 ha.

 Doanh nghiệp chế biến gỗ Phú Đỉnh tại Cụm công nghiệp Thanh An đã hoạt động trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

 Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến

Qua nghiên cứu về tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương, huyện Dầu Tiếng đã thực hiện quy hoạch phát triển các KCCN phân bố đồng đều trên địa bàn các xã, thị trấn. Trong đó, dù có một số khác biệt nhỏ nhưng điểm chung của các KCCN trên địa bàn huyện Dầu Tiếng là ưu tiên tập trung phát triển các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp chế biến gỗ, mủ cao su và chế biến súc sản (các sản phẩm từ chăn nuôi).

Lý giải về lý do tập trung phát triển nhóm ngành nghề này, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết với hệ thống hạ tầng giao thông được mở rộng, kết nối hiện hữu và trong tương lai, Dầu Tiếng có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm công nghiệp chế biến gỗ. Huyện cũng là địa phương có diện tích canh tác cao su lớn với sự hiện diện của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và hàng chục ngàn ha cao su tiểu điền từ nhân dân nên các dự án về chế biến, tinh chế mủ cao su sẽ nhận được khá nhiều lợi ích khi đầu tư vào địa phương.

Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến súc sản mà huyện đang hướng tới, ông Linh cho biết cùng với trữ lượng các sản phẩm chăn nuôi khổng lồ mà các khu vực lân cận mang đến, những năm tới huyện cũng sẽ tiếp tục vận động người dân thay đổi tập quán chăn nuôi, canh tác từ truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ sang hướng đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động chăn nuôi, trồng trọt để gia tăng hiệu quả kinh tế.

Cụ thể, trong năm 2022 này nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, huyện sẽ thăm dò ý kiến của người dân và thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan, học tập mô hình kinh tế trang trại làm ăn hiệu quả. Sau các chuyến tham quan, học tập, huyện cũng sẽ có phương án hỗ trợ người dân tiếp cận kiến thức, công nghệ, cây con giống và vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Cơ hội lớn để bứt phá

Trong hai thập niên qua, Bình Dương đã trở thành hình mẫu chứng minh rằng mô hình KCCN là đòn bẫy hữu hiệu giúp bộ mặt kinh tế - xã hội của một địa phương phát triển. Dù ở thời điểm này dịch chuyển cơ cấu kinh tế có thể có một số thay đổi nhất định nhưng nếu có chiến lược quy hoạch, đầu tư một cách thông minh, bài bản thì KCCN vẫn sẽ là giải pháp cứu cánh cho những địa phương nào đang muốn bứt phá vươn lên.

Nói về chương trình quy hoạch KCCN giai đoạn 2021- 2030 của huyện Dầu Tiếng, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá huyện Dầu Tiếng là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về quỹ đất. Để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, Sở Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ việc quy hoạch phát triển các KCCN của huyện. Tuy nhiên, để việc quy hoạch, phát triển đồng bộ và hiệu quả, huyện cần xác định yếu tố đi đầu là quy hoạch xây dựng đô thị, cơ sở hạ tầng kết nối giao thông nội vùng và liên vùng. Đồng thời cũng cần có kế hoạch phát triển hệ thống nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Cùng quan điểm với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự quyết tâm cao và lựa chọn hợp thời đại, Dầu Tiếng đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên phát triển. Được sự ủng hộ về mặt chủ trương, chính sách từ tỉnh, với lựa chọn phát triển công nghiệp phù hợp, đúng đắn theo xu thế, tin rằng bộ mặt kinh tế - xã hội Dầu Tiếng sẽ khởi sắc trong tương lai không xa. Rồi đây, khi các KCCN đi vào hoạt động, các khu dân cư ven KCCN cũng bắt đầu hình thành, kéo theo sự phát triển của thương mại - dịch vụ và nhiều nhóm ngành kinh tế trọng điểm khác.

Đi dọc những tuyến đường được trải nhựa bóng loáng giữa cánh rừng cao su xanh thẳm ngút ngàn mà chúng tôi mường tượng về một Dầu Tiếng thịnh vượng trong nay mai. Dọc những con đường này vào một ngày không xa sẽ có những đô thị phát triển sầm uất nối tiếp những KCCN và những khu dân cư đông đúc. Phía sau là những mảng xanh của núi, của sông và của những cánh rừng cao su trải dài, tạo thành một bức tranh sinh động, giàu sức phát triển.

 Báo cáo tháng 1-2022 của UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, đến nay toàn huyện đang có 49.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, có 760 ha diện tích canh tác cây ăn trái, 252 trang trại chăn nuôi với 123 trại gia cầm, 129 trại nuôi gia súc. Đây là những con số biết nói khẳng định rằng lựa chọn tập trung phát triển nhóm ngành công nghiệp chế biến gỗ, mủ cao su và súc sản của huyện là có căn cứ, có cơ sở khoa học. Cùng với chương trình quy hoạch phát triển kinh tế phân khu mà địa phương thực hiện, nhiều xã, thị trấn cũng được huyện giao nhiệm vụ tập trung phát triển vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng hôm nay sẽ giúp huyện sớm hình thành vùng nguyên liệu dồi dào ngay khi các KCCN đi vào hoạt động, một điều kiện đủ để các nhà đầu tư không thể bỏ qua.

 KHÁNH LINH - TÚ BÌNH