Các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương: Dấu ấn 20 năm phát triển
Sau 20 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp (KCN) dưới sự quản lý của Ban Quản lý các KCN Bình Dương đã không ngừng lớn mạnh, trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Không ngừng lớn mạnh
(BDO) Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), tỉnh Sông Bé đã tiến hành quy hoạch 15 KCN với tổng diện tích trên 6.000 ha. Sau khi tách tỉnh vào ngày 1-1- 1997, Bình Dương còn 13 KCN với diện tích 4.033 ha, mà hạt nhân là KCN Sóng Thần 1 được thành lập vào tháng 9-1995.
Trải qua gần 20 năm kiên trì xây dựng các KCN, đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN với tổng diện tích trên 9.500 ha, chiếm 9,5% về số lượng và 11,3% về diện tích KCN của cả nước. Hiện nay, Ban Quản lý Các KCN tỉnh được giao quản lý 25 KCN với tổng diện tích quy hoạch lên đến hơn 7.500 ha. Đây là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Các KCN tỉnh.
Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 nhìn từ KCN Mỹ Phước 1
Dưới sự quản lý minh bạch, khoa học của Ban Quản lý Các KCN tỉnh, các KCN đã hoàn thành việc xây dựng, kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN được đầu tư đồng bộ và hiện đại góp phần thay đổi diện mạo tỉnh nhà, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các KCN hình thành và phát triển phù hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển KCN của cả nước cũng như quy hoạch sử dụng đất và phát triển của tỉnh nhà. “Đất lành chim đậu”, đến nay tổng diện tích đất đã cho thuê của các KCN thuộc phạm vi quản lý của ban là 2.572 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 50,5%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.
Ông NGUYỄN THANH NGHĨA, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (KCN Sóng Thần 3): Doanh nghiệp luôn được tạo điều kiện tốt nhất Trước đây khi quy mô công ty còn nhỏ, chúng tôi hoạt động ngoài KCN nên gặp một số vướng mắc nhỏ trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, từ khi đầu tư nhà máy mới tại KCN Sóng Thần 3 (TP.Thủ Dầu Một), công ty đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ Ban Quản lý Các KCN Bình Dương. Những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, giấy tờ hoặc các bất cập trong chính sách quản lý chung đều được phản hồi sớm và xử lý nhanh chóng. Chúng tôi rất cảm kích trước sự nhanh nhạy, sát sao của Ban Quản lý Các KCN Bình Dương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Không chỉ công ty chúng tôi mà nhiều công ty bạn đến làm ăn trong các KCN cũng đều nhận được sự hài lòng như thế. Tôi tin rằng, với sự năng động, nhạy bén và tận tình của Ban Quản lý, doanh nghiệp đầu tư trong các KCN tỉnh Bình Dương sẽ rất thuận lợi và trong tương lai các KCN sẽ tiếp tục được phủ kín từ các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Giám đốc Công ty Cổ phần CNC Tech (KCN Đồng An 1): Ban Quản lý Các KCN Bình Dương sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình Khởi nghiệp từ một doanh nghiệp nhỏ nằm trong KCN Đồng An I, điều tôi ấn tượng nhất là sự nhiệt tình hỗ trợ từ Ban Quản lý Các KCN Bình Dương. Từ lúc chập chững điều hành doanh nghiệp, kiến thức còn chưa nhiều nhưng điều quan trọng là chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Quản lý. Chính điều đó đã không chỉ giúp chúng tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm mà còn thêm niềm tin vững chắc vào công việc sản xuất, kinh doanh. Tôi tin với tinh thần giúp đỡ doanh nghiệp hết mình, Ban Quản lý Các KCN Bình Dương sẽ còn phát huy vai trò tốt hơn nữa trong tương lai. Ông CHU YING PIAO, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chutex (KCN Sóng Thần 2): Rất ấn tượng trước cung cách làm việc của Ban Quản lý Các KCN Bình Dương Trước khi quyết định chọn Bình Dương làm điểm đến đầu tư, chúng tôi đã rất ấn tượng trước sự cầu thị và cung cách làm việc chuyên nghiệp của Ban Quản lý Các KCN Bình Dương. Mọi vấn đề khúc mắc có liên quan đều đều được Ban Quản lý giải quyết nhanh, tạo sự an tâm, tin tưởng lớn đối với chúng tôi. Chính nhờ thế, Công ty Chutex liên tục gặt hái những thành công vượt mong đợi. Tôi tin tưởng, Ban Quản lý Các KCN Bình Dương sẽ tiếp tục tạo ra nhiều nét đột phá trong công cuộc phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới. |
Ông Bùi Minh Trí, Phó trưởng ban Quản lý Các KCN tỉnh, cho biết đến nay tại Bình Dương có 19 doanh nghiệp thuộc 5 thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Các doanh nghiệp này đã thu hút hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước để xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng KCN, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế của tỉnh Bình Dương phát triển nhanh. Bình Dương cũng đã hình thành hệ thống các KCN trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và một đội ngũ doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN có năng lực tài chính, quản lý, có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN.
Có thể khẳng định, các KCN đã và đang phát huy được thế mạnh, trở thành một trong những nguồn lực chính để đưa Bình Dương phát triển không ngừng. Đến nay, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng vào các KCN khoảng hơn 9.300 tỷ đồng, đạt 72% tổng vốn được phê duyệt. Hình thức đầu tư xây dựng cũng rất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của Bình Dương. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư, mà luôn phát huy nguồn lực để mọi thành phần kinh tế tham gia.
Đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà
Do có hạ tầng tốt, các KCN dưới sự quản lý, điều hành của Ban Quản lý Các KCN Bình Dương đã phát huy tác dụng to lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN qua từng năm không ngừng tăng lên. Tính đến nay đã có 1.110 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN do ban quản lý, trong đó có 723 doanh nghiệp nước ngoài. Các KCN ra đời đã tạo nên những vùng công nghiệp tập trung, tác động tích cực tới việc phát triển các cơ sở nguyên liệu, thúc đẩy phát triển nhiều loại hình dịch vụ phục vụ công nghiệp, đồng thời nâng cao giá trị nông sản hàng hóa cũng như hiệu quả tổng hợp của các ngành sản xuất.
Không chỉ thu hút nhiều nhà đầu tư vào các KCN, mà chính các KCN cũng tạo điều kiện đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong những năm qua, tốc độ tăng doanh thu hàng năm bình quân của các doanh nghiệp trong KCN tăng từ 30 - 35%/năm. Chỉ tính riêng doanh thu từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong KCN đạt khoảng 8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.
Mặc dù có thời điểm bị ảnh hưởng bởi thị trường trong nước và thế giới, song các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm khách hàng và thị trường mới, từng bước chú trọng và nâng cao thị trường nội địa và duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhờ đó, trong giai đoạn 2011-2015, các KCN đã tạo ra doanh thu khoảng 32,5 tỷ USD; trong đó giá trị xuất khẩu đạt 15,5 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 800 triệu USD... Tính chung trong 20 năm qua, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN tỉnh Bình Dương đã tạo ra doanh thu khoảng 54,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 30,3 tỷ USD và nộp ngân sách Nhà nước 1,36 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định việc hình thành các KCN tập trung đã giúp Bình Dương thu hút mạnh đầu tư, phát triển công nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch và bảo đảm được sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. Các KCN đã tạo quỹ đất sạch để thu hút, bố trí dự án đầu tư hiệu quả, tạo nên tính đột phá đưa Bình Dương phát triển công nghiệp nhanh. Kết quả đó đã đóng góp to lớn vào mức tăng trưởng GDP bình quân trên 13%/năm trong giai đoạn 2011-2015; các chỉ tiêu khác như giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài tăng từ 15,5 - 53%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đạt 72,3 triệu đồng... Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư từ xã hội để làm nền tảng phát triển công nghiệp; cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Bình Dương cũng sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển giao thông nối kết vùng; đồng thời nâng tầm dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Quá trình thành lập và hoạt động của Ban Quản lý Các KCN Bình Dương gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của các KCN tỉnh. Xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước đối với KCN và điều kiện thực tế của tỉnh Sông Bé, ngày 15-11-1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 751/TTg thành lập Ban Quản lý KCN Sông Bé để thực hiện chức năng quản lý trực tiếp các KCN trên địa bàn tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Điều 20 Quy chế KCN. Từ ngày 1-1-1997, tỉnh Sông Bé được tách ra làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước thì Ban Quản lý cũng được đổi tên thành Ban Quản lý Các KCN Bình Dương; khi đó Ban Quản lý là cơ quan dự toán cấp I thuộc Trung ương. Đến năm 2001, theo Quyết định số 100/TTg ngày 17-8-2000 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh.
Do mô hình KCN mang tính chất đặc thù, phương thức quản lý còn mới đối với nước ta nói chung và Bình Dương nói riêng nên công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức (CBCC) đã được Ban Quản lý quan tâm và thực hiện đạt kết quả cao. Chất lượng, trình độ năng lực CBCC của ban ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu công công tác, nhất là nắm vững quan điểm, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước để vận dụng hiệu quả vào công tác quản lý KCN.
Qua 20 năm thành lập, đến nay tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Quản lý Các KCN Bình Dương đã ngày càng phát triển phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban Quản lý từng bước đưa vào thực hiện và hoàn thiện áp dụng cơ chế “một cửa điện tử”, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính.
Với những kết quả nói trên, tập thể Ban Quản lý Các KCN Bình Dương đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; 2 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng nhì; 4 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng ba và nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng.
KHÁNH VINH