Các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc quy chế thi
Các thí sinh chuẩn bị làm bài thi tại Hội đồng thi Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội). Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), cả nước có 650.420 TS đến dự thi, đạt 77,09% so với đăng ký. Một số trường có tỷ lệ thí sinh dự thi cao như các Trường ÐH: Nông lâm TP Hồ Chí Minh (86,9%) Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh (89,5%); dự thi vào các trường ÐH tại Cụm thi Quy Nhơn đạt bình quân từ 70% đến 80% so với số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển. Tại Trường ÐH Sư phạm Hà Nội 2 có 4.238 TS đến dự thi, đạt tỷ lệ 74,74% so với đăng ký.
Ngày thi đầu, Ðoàn kiểm tra của Bộ GD và ÐT do PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Phó trưởng Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2013 dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra công tác tổ chức thi tại hội đồng thi tuyển sinh ÐH Thái Nguyên và Trường ÐH Sư phạm Hà Nội 2. Kết quả, đoàn kiểm tra đề nghị các hội đồng thi nhắc nhở giám thị cần yêu cầu thí sinh ghi đầy đủ thông tin vào giấy nháp rồi mới ký theo quy định; việc xếp chỗ, đánh số báo danh cho thí sinh đúng theo quy định nhưng cần bảo đảm khoảng cách giữa các thí sinh, bổ sung thêm bàn, ghế, tránh tình trạng thí sinh ngồi quá gần nhau... Nhìn chung, các hội đồng thi chuẩn bị chu đáo các phương án phục vụ kỳ thi. Nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác thi được tập huấn, phổ biến kỹ lưỡng các quy định của quy chế, thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc. Ngoài ra, hội đồng thi tuyển sinh ÐH Thái Nguyên còn thực hiện việc đưa toàn bộ thông tin dự thi của các TS, sơ đồ địa điểm thi, phòng thi... lên trang thông tin điện tử của trường, giúp thí sinh, nhất là thí sinh ở xa có thể truy cập in-tơ-nét hoặc truy cập qua GPS, không bị lúng túng khi tìm địa điểm thi, phòng thi... Các hội đồng thi, tuyển sinh đều phối hợp và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, các ban, ngành cũng như lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện đã vào cuộc hỗ trợ TS và người nhà TS nhiệt tình, hiệu quả. Ðáng chú ý, tỉnh Thái Nguyên còn lập Ban chỉ đạo thi của tỉnh do một phó chủ tịch tỉnh làm trưởng ban cùng các sở, ngành liên quan để phối hợp, hỗ trợ ÐH Thái Nguyên trong tổ chức thi, tuyển sinh.
Ðặc biệt, trong ngày làm thủ tục dự thi do mưa lớn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đã điều động ba xe thiết giáp đưa TS vào điểm thi trên TP Thái Nguyên và cơ động một xuồng máy và hai xe thiết giáp lên hỗ trợ đưa đón TS của huyện Võ Nhai không thể đi làm thủ tục dự thi do đoạn đường trên địa điểm xã La Hiên, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) cách hội đồng thi khoảng 40 km bị ngập sâu. Hiện nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên vẫn tiếp tục túc trực xuồng máy, xe ô-tô thiết giáp để có tình huống sẽ hỗ trợ TS và hội đồng thi, tuyển sinh cũng như hỗ trợ chuyển đề thi, bài thi nếu cần thiết. Trước sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình, ngày 4-7, Bộ trưởng GD và ÐT Phạm Vũ Luận đã thay mặt ngành gửi thư cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên.
Theo đánh giá chung, các hội đồng thi tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của quy chế; các vi phạm được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. Trên phạm vi cả nước có 89 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 12 trường hợp, cảnh cáo bốn trường hợp và 73 trường hợp bị đình chỉ. Có năm cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị khiển trách. Trong đó, tại điểm thi của Trường ÐH Y Hải Phòng và Trường ÐH Hải Phòng đều có một TS; TP Hồ Chí Minh có 11 TS; cụm thi Cần Thơ có năm TS; Ðà Nẵng có 17 TS; ÐH Huế có bốn TS vi phạm quy chế tuyển sinh. Ngoài ra, Trường ÐH An ninh Nhân dân (TP Hồ Chí Minh) có ba trường hợp đi muộn không được thi; Trường ÐH Tây Nguyên vẫn có trường hợp TS đến muộn cho nên bị coi như vắng thi. Tại điểm thi của Trường ÐH Y Hải Phòng, một TS bị ốm đã được các nhân viên y tế sơ cứu tại chỗ và TS này tiếp tục hoàn thành bài thi. Tại Trường ÐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh một TS phải đi cấp cứu do bệnh tim. Cũng tại trường này có một trường hợp vào khu vực thi nhưng không có trong danh sách dự thi và bị giữ lại sau hai phần ba thời gian làm bài thi mới được ra ngoài.
Về đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót. Ðề thi vừa sức, nội dung chủ yếu nằm trong chương trình THPT lớp 12 nhưng có tính phân loại cao, có câu hỏi từ dễ đến khó để học sinh có học lực trung bình đến khá, giỏi, xuất sắc đều có thể làm được; đề thi đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn và có một số câu hỏi mang tính ứng dụng, gắn với thực tiễn. Nhiều TS không làm được bài và ra sớm trước khi hết giờ. Tại các điểm thi của ÐH Thái Nguyên (như điểm thi ở Trường ÐH: Việt Bắc, Công nghệ Thông tin, Khoa học) buổi thi môn Toán, nhiều thí sinh ra sớm sau khi hết hai phần ba thời gian nhưng đều không làm được bài. TS Ma Viết Thoan ở huyện Chợ Ðồn (Bắc Cạn), dự thi vào ÐH Thái Nguyên cho biết, môn Toán em chỉ làm được một câu cho nên ra sớm trước khi hết giờ làm bài. TS ra sớm nhất ở điểm thi Trường ÐH Phạm Văn Ðồng (Quảng Ngãi) Trịnh Tiến Ðạt cho biết: Ðề thi môn Toán có tất cả chín câu với 11 nội dung và chỉ làm được 40%, còn lại bỏ trống. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên tại các điểm thi ở Thừa Thiên - Huế cho thấy, sau khi kết thúc hai môn thi Toán và Lý, nhiều TS bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi. Các em cho biết, đề thi năm nay nằm trong chương trình học nên không quá khó, nếu nắm chắc kiến thức căn bản, TS có thể hoàn thành 80% phần thi chung. TS Nguyễn Thị Thái Hưng (học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Ðà Nẵng) thi vào Trường ÐH Kinh tế Ðà Nẵng cho biết: "Trước khi đi thi, em có xem lại đề thi môn Vật lý năm ngoái.
So với đề thi năm trước, năm nay em làm khá tốt. Trong 50 câu, có 10 câu khó, đòi hỏi phải tư duy nhiều. Nếu các bạn nắm vững kiến thức có thể làm bài được hơn 70%".
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD và ÐT và theo ghi nhận của phóng viên ở nhiều điểm thi trên cả nước, ngày thi đầu tiên thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho việc dự thi của TS. Tại các điểm thi, ngay từ sáng sớm, lực lượng cảnh sát giao thông và thanh niên tình nguyện đã có mặt tại các địa điểm thi để phân luồng giao thông nhằm giúp TS đến địa điểm thi đúng giờ, không bị ùn tắc. Một trong những điểm mới năm nay là tất cả các điểm thi tại TP Hồ Chí Minh đều có máy phát điện dự phòng và có một cán bộ ngành điện lực túc trực để xử lý khi có sự cố xảy ra. Ðặc biệt, ngay sau khi kết thúc môn thi buổi chiều, tại TP Cần Thơ có mưa lớn làm ngập nhiều tuyến đường dẫn đến một số tuyến đường như: Ngô Quyền, Xô-viết Nghệ Tĩnh, đường 30-4, 3-2, Cách mạng Tháng Tám... bị ùn tắc giao thông cục bộ. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông có mặt ở các ngã tư, các địa điểm thi chủ động điều tiết, phân luồng, giải tỏa nhanh các điểm ùn tắc này. Tại TP Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc) có 550 tình nguyện viên được huy động túc trực tại hơn 30 điểm thi để tư vấn, tiếp sức cho TS. Cùng với đó là đội xe thồ với khoảng 50 tình nguyện viên chuyên đưa đón miễn phí TS từ bến xe, sân bay, bến xe ô-tô... về các điểm thi. Trường ÐH Sư phạm Hà Nội 2 đã dành 160 chỗ ở miễn phí cho TS có hoàn cảnh khó khăn; bố trí bốn khu ký túc xá của trường cho TS và người nhà thí sinh thuê giá rẻ; huy động 50 sinh viên tình nguyện phối hợp cùng lực lượng thanh niên tình nguyện trên địa bàn hỗ trợ TS dự thi. Trường đại học Quy Nhơn cũng dành toàn bộ khu ký túc xá để đón tiếp 900 TS và người nhà. Nhà ăn của trường đáp ứng cùng lúc hàng nghìn suất ăn giá rẻ. Ngoài hoạt động nói trên, các phiếu cơm miễn phí cũng được các bạn sinh viên tích cực giới thiệu để giúp đỡ những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chùa Phù Liễn (TP Thái Nguyên) hỗ trợ 11 nghìn suất cơm chay, trong đó có sáu nghìn suất dành cho đợt một kỳ thi để hỗ trợ TS và người nhà TS. Ðặc biệt, chùa Cần Linh (Nghệ An) đã vận động tăng ni, phật tử quyên góp lương thực, thực phẩm nấu tại các gia đình cấp phát miễn phí tại các điểm thi. Kỳ thi năm nay, chùa Long Khánh (TP Quy Nhơn) đón một nghìn TS và người nhà cho mỗi đợt thi. Quán di động "Sinh viên - Giá siêu rẻ" của nhóm sinh viên đến từ Trường ÐH Ðiện lực Hà Nội đã thu hút được khá nhiều khách là người nhà TS mua hàng trong lúc chờ đợi con em mình đang làm bài thi trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, TP Hà Nội). Quán trưởng Nguyễn Du, sinh viên năm thứ ba, Trường ÐH Ðiện lực Hà Nội chia sẻ: Thay vì về quê nghỉ hè, hay dành thời gian vào những việc không bổ ích, nhóm tụi em có tám bạn bàn và quyết định ở lại làm thêm trong mùa tuyển sinh năm nay. Sau khi trao đổi, tìm hiểu bọn em quyết định mở quán nước giải khát di động phục vụ TS và người nhà TS trong dịp này. Tiêu chí kinh doanh của cả nhóm là thông qua công việc này mỗi thành viên trong nhóm sẽ có những trải nghiệm hơn trong cuộc sống của mình. Chính vì vậy, việc bán hàng yếu tố lợi nhuận không được nhóm đặt lên "mục tiêu hàng đầu".
Ðáng chú ý, kỳ thi năm nay có nhiều TS khuyết tật vẫn quyết tâm đi thi như TS Võ Thị Thanh Thảo bị bệnh xương thủy tinh được mẹ đưa từ Kon Tum xuống Ðà Nẵng đi thi. Thảo dự thi khối V vào ngành thiết kế đồ họa (Trường ÐH Kiến trúc Ðà Nẵng). Chia sẻ ước mơ của mình, Thảo cười nhỏ nhẹ: "Em đã hết sức cố gắng và hy vọng sẽ biến được ước mơ trở thành hiện thực". Tại Hội đồng thi ÐH Ðà Lạt (Lâm Ðồng) TS khuyết tật K’Hoàng (quê Bình Thuận) phải ngồi xe lăn đến điểm thi và được giám thị cõng lên phòng thi. Trường hợp TS Lê Văn Tĩnh bị tai nạn gãy xương bàn chân trước kỳ thi được Hội đồng thi dùng ô-tô chở vào phòng thi. Ðáng chú ý, sau khi có phản ánh việc TS Nguyễn Văn Vọng ở xã Ðức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh bị bại liệt vẫn đi thi, PGS, TS Ðinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ÐH Vinh đã có mặt tại điểm thi Trường THPT VTC, Nghệ An vào đầu giờ thi môn Toán sáng 4-7 để kiểm tra. Tại đây, Hiệu trưởng Trường ÐH Vinh đã bày tỏ sự cảm phục trước nghị lực của em Vọng, ghi nhận những việc làm của em và quyết định chính thức nhận em Vọng vào học ngành công nghệ thông tin tại Trường ÐH Vinh. Các cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT VTC cũng đã quyên góp được 500 nghìn đồng hỗ trợ em Vọng về quê trước khi chính thức trở thành sinh viên đầu tiên vào Trường ÐH Vinh.
Hôm nay 5-7, các thí sinh dự thi khối A thi môn Hóa học, A1 thi Tiếng Anh, cả hai môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm với thời gian 90 phút.
Theo Nhân Dân