Các hiệp định thương mại tự do: Lợi ích đi cùng thách thức

Thứ bảy, ngày 16/05/2020

(BDO) Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới ngoài lợi ích cũng mang đến cho doanh nghiệp (DN) không ít khó khăn và thách thức. Chính vì vậy DN cần nắm rõ các điều khoản ưu đãi, rào cản thương mại, cũng như tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, quy định phát triển bền vững…


Dệt may, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương được hưởng lợi từ các FTA

Nắm rõ ưu đãi về thuế

Theo Sở Công thương, một điều khoản liên quan trực tiếp đến lợi ích trước mắt của DN là thuế xuất nhập khẩu với các đối tác. DN cần nắm rõ điều khoản ưu đãi, rào cản để khai thác triệt để lợi ích của mình đồng thời tuân thủ quy định. Về thuế nhập khẩu, ngay sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Sau 7 năm, cam kết xóa bỏ thuế quan với 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU. Sau 10 năm, cam kết xóa bỏ thuế quan với 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu từ EU.

Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngay sau khi có hiệu lực Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế, sau 3 năm xóa bỏ 86,5%. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan. Đối với thuế xuất khẩu sang thị trường đối tác, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đối với CPTPP, tùy vào từng quốc gia thực hiện cam kết mà các mức xóa bỏ thuế nhập khẩu. Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế, tương đương 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay. Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay đối với 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), sau 5 năm xóa bỏ gần 90% số dòng thuế. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Chú trọng về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ

Về quy tắc xuất xứ, EVTA cho phép áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ và quy tắc cộng gộp. Riêng đối với mặt hàng dệt may, EVFTA yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi), tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA, hàng dệt may Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Có thêm linh hoạt khi được phép cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm dệt may. Với CPTPP, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ quy định Việt Nam có thời gian chuyển đổi là 5 năm cho hàng nhập khẩu và tối đa 10 năm. Sau 10 năm phải áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn. Đối với mặt hàng dệt may, CPTPP yêu cầu sử dụng sợi (nguyên tắc “từ sợi” trở đi) và vải từ khu vực CPTPP. Có thêm linh hoạt về cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực và phải nhập khẩu từ các nước ngoài CPTPP.

Sở Công thương khuyến cáo ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ, các DN đặc biệt chú trọng về vấn đề sở hữu trí tuệ trong hội nhập. Cả EVFTA và CPTPP đều có mức bảo hộ cao đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên cơ sở Hiệp định TRIPS của WTO. EVFTA yêu cầu phải có cơ chế đền bù thỏa đáng cho trường hợp thời gian khai thác bằng sáng chế đã có hiệu lực bị rút ngắn vì chậm trễ trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành thuốc. Đối với EVFTA, kiểu dáng công nghiệp thời hạn bảo hộ ít nhất là 15 năm , với CPTPP thời hạn bảo hộ là 10 năm.

Sở Công thương cho biết, về lao động, cho đến nay, cả hai hiệp định đều không tạo ra nghĩa vụ mới, chỉ nhắc lại các tiêu chuẩn về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). EVFTA không có cơ chế giải quyết tranh chấp hay trừng phạt thương mại trong trường hợp các bên vi phạm các cam kết về lao động. CPTTP có cơ chế trừng phạt thương mại trong trường hợp vi phạm các cam kết, tuy nhiên Việt Nam được hưởng một số linh hoạt nhất định mà DN bắt buộc phải nắm rõ. Đối với vấn đề môi trường, cả EVFTA và CPTPP khẳng định cam kết thực hiện các hiệp định đa phương về môi trường mà mình là thành viên.

TIỂU MY