Các hãng taxi truyền thống tại Bình Dương: Học cách “sống chung” với Uber, Grab
(BDO) Trước việc xuất hiện các hãng taxi công nghệ Uber, Grab, nhiều hãng taxi tại Bình Dương đang cố gắng tiết kiệm chi phí vận hành, ra mắt các công cụ hỗ trợ điện tử… để tăng cường khả năng cạnh tranh.
Sức ép cạnh tranh
Có thể nói, từ khi các hãng taxi công nghệ Uber, Grab có mặt tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng đã được hưởng lợi lớn. Không chỉ được sử dụng dịch vụ taxi giá rẻ (chỉ khoảng 10.000 đồng/ km), mà người tiêu dùng còn được hưởng dịch vụ gọi xe rất tiện lợi, dễ dàng. Tuy nhiên, sự có mặt của Uber, Grab cũng mang lại sự cạnh tranh rất gay gắt giữa các hãng taxi truyền thống với taxi công nghệ. Thậm chí, sự cạnh tranh còn có dấu hiệu bất bình đẳng, điển hình là chuyện Vinasun dán khẩu hiệu tẩy chay Uber, Grab mới đây.
Xe taxi Mai Linh dừng đón khách tại Trung tâm thương mại Becamex Tower (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: K.VINH
Bình Dương với đặc thù địa lý nằm cạnh TP.Hồ Chí Minh cũng bị “cuốn” vào cuộc cạnh tranh không cân sức này. Dù Uber, Grab chỉ được phép thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh nhưng số lượng taxi 2 hãng này đã gia tăng đột biến tại Bình Dương trong thời gian qua. Hiện nay, khách hàng có thể mở ứng dụng đặt chỗ Grab, Uber tại bất kỳ vị trí nào trên địa bàn tỉnh. Theo khảo sát của chúng tôi, không chỉ có các xe mang biển số TP.Hồ Chí Minh mà hiện nay lực lượng chạy Uber, Grab tại Bình Dương cũng có rất nhiều xe mang biển số địa phương. Chính điều này làm cho các hãng taxi truyền thống tại Bình Dương như Thắng Lợi, Minh Giang… gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì kinh doanh, phát triển dịch vụ taxi truyền thống tại địa phương.
Tự làm mới mình
Trước làn sóng phát triển mạnh mẽ của lượng xe Uber, Grab trên địa bàn, các hãng xe taxi truyền thống tại Bình Dương đang đối mặt với một cơn khủng hoảng thực sự. Đại diện hãng taxi Minh Giang (TX. Dĩ An) cho biết, do có địa bàn hoạt động nằm gần TP.Hồ Chí Minh nên trong thời gian qua, taxi Minh Giang liên tục đối mặt với khó khăn. Hãng đã phải giảm giá cước đến mức thấp nhất có thể nhưng vẫn không thể chặn được đà sụt giảm doanh thu, lâm vào cảnh khó khăn. “Hiện nay có đến 50% tài xế của hãng đã rút khỏi đơn vị để đầu quân sang taxi Uber, Grab, dù chúng tôi đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục khó khăn”, đại diện hãng này cho biết.
Trong khi đó, một tên tuổi lớn của taxi Bình Dương là Thắng Lợi cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì dịch vụ taxi trên địa bàn. Là hãng taxi “sinh sau, đẻ muộn” tại Bình Dương nhưng nhờ cách làm hợp lý, lại có chính sách quản lý tốt nên trong những năm qua, taxi Thắng Lợi đã có những bước phát triển vượt bậc, đội xe phát triển không ngừng. Tuy nhiên, theo đại diện hãng này chia sẻ, từ khi xuất hiện Uber, Grab thì taxi Thắng Lợi cũng vấp phải sức cạnh tranh quyết liệt, thậm chí một số lái xe của hãng cũng đã chuyển hẳn sang đăng ký chạy Uber, Grab.
Trước sức ép cạnh tranh rất khốc liệt từ phía taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống cũng áp dụng nhiều giải pháp để tồn tại và phát triển, trong đó chủ yếu là tiết kiệm chi phí, đổi mới công nghệ vận hành… để tự làm mới mình. Chẳng hạn, trong tháng 3-2017, taxi Thắng Lợi đã ra mắt ứng dụng đặt xe dành cho điện thoại IOS lẫn Android. Ứng dụng đặt xe này giúp cho khách hàng đặt xe taxi có thêm kênh lựa chọn đặt xe hiện đại và nhiều tiện ích. Việc đặt xe bằng ứng dụng Taxi Thắng Lợi giúp cho việc điều xe phục vụ tối ưu hơn; cùng với đó xe gần khách hàng được điều rước khách nên giảm thời gian khách hàng đợi xe và hạn chế tình trạng giành giật khách của các tài xế.
Trong khi đó, một hãng taxi khác trên địa bàn cũng đã liên tục giảm giá cước, đổi mới đội xe, cũng như tập huấn lại cung cách phục vụ của đội ngũ tài xế. Nhờ vậy, sau một thời gian quay lưng với taxi truyền thống, nhiều khách hàng đã quay lại sử dụng dịch vụ taxi của các hãng có mặt trên địa bàn tỉnh. “Ban đầu tôi cũng thử cài đặt Uber, Grab sử dụng, nhưng một thời gian tôi thấy có nhiều tiêu cực khi liên tục bị các tài xế vòi vĩnh năm ba chục ngàn mỗi cuốc xe; giá cước vào giờ cao điểm hoặc kẹt xe cũng bị nhân lên rất cao. Chính vì thế, tôi quyết định xóa ứng dụng, quay lại sử dụng dịch vụ taxi trong tỉnh khi giá cước giữa hai bên đã gần như nhau, không có sự chênh lệch như trước”, anh Lê Ngọc Thơm, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ.
* Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO (TP.Hồ Chí Minh): Không nên cấm hoàn toàn Uber, Grab
Uber và Grab là mô hình mới, hiện đại, tiện lợi, giảm chi phí cho xã hội, người dùng và doanh nghiệp. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta ngăn cấm, ngược lại cần khuyến khích. Sau này, nếu cần thiết thì điều chỉnh, bây giờ chưa có quy định có nghĩa là được tự do kinh doanh. Việc xảy ra bất bình đẳng, thắc mắc của taxi truyền thống là do chúng ta quản quá chặt, quá khắt khe, tới 13 điều kiện để kinh doanh taxi bình thường, mất nhiều chi phí. Thay vì siết chặt taxi kiểu mới thì chúng ta cần quản lý taxi cũ một cách gọn nhẹ hơn. Khi đó, người tiêu dùng sẽ được sử dụng dịch vụ taxi giá rẻ, tiện lợi của cả taxi truyền thống lẫn taxi công nghệ.
Suy cho cùng, Uber hay Grab và các mô hình kinh doanh trên nền tảng internet là nhu cầu thiết yếu và nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hàng triệu người kinh doanh nhỏ ở Việt Nam. Nhưng nó cũng là thách thức lớn trong bảo đảm thu thuế, xa hơn là cạnh tranh giữa người nộp thuế. Chính vì thế, cần bình đẳng hơn trong việc tạo điều kiện kinh doanh cũng như quản lý giữa hai loại hình taxi này trong tương lai gần.
* Luật sư NGUYỄN ANH THƠM (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội): Nên cạnh tranh sòng phẳng
Tôi cho rằng các doanh nghiệp taxi truyền thống có quyền bày tỏ quan điểm phản đối với taxi công nghệ, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật, bởi về nguyên tắc công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Chính vì thế, việc các hãng taxi truyền thống cạnh tranh sòng phẳng, đúng pháp luật là tốt cho môi trường kinh doanh và có lợi cho người tiêu dùng.
Nếu một số hãng taxi truyền thống cố tình đưa thông tin sai sự thật qua các băng-rôn về việc Uber, Grab gây thất thu thuế thì hành vi này vi phạm Điều 43, Luật Cạnh trạnh. Luật này quy định: Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
KHÁNH VINH