Các dòng sông băng trên thế giới đang tan nhanh “hơn chúng ta tưởng”
(BDO) Phần lớn trong số 200.000 sông băng trên thế giới cũng đang cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của sự nóng lên, trung bình tan chảy từ 3-6 feet (0,9-1,8m) mỗi năm.
Băng trôi ngoài khơi Dunedin (New Zealand).
Năm 1971, các nhà nghiên cứu đã có một khám phá đáng ngạc nhiên khi nghiên cứu băng ở Greenland: Nhiệt độ trên đảo đã tăng đột ngột trong những khoảng thời gian ngắn cách đây hàng nghìn năm.
Phát hiện cho thấy sự nóng lên đột ngột có thể xảy ra chỉ trong vài thập kỷ. Và điều này đã thay đổi cách các nhà khoa học nghĩ về quá trình biến đổi khí hậu tự nhiên.
Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với một sự thay đổi lớn khác. Lần này là do các hoạt động của con người. Các nhà khoa học đang đưa ra dự đoán về cách băng sẽ sớm “tiến hóa” như thế nào khi nhiệt độ ấm lên.
Theo National Geographic, trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên Tạp chí The Cryosphere, các nhà nghiên cứu đã lập mô hình về lượng băng tan chảy vào năm 2100.
Kết quả cho thấy lượng băng “tan biến” sẽ nhiều hơn so với dự đoán trong báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). Báo cáo của IPCC thường được coi là “sự đồng thuận khoa học về tình trạng biến đổi khí hậu.”
"Chúng tôi có một chương trình thực địa trên một sông băng ở Thụy Sĩ - nơi chúng tôi quay lại và quan sát lượng băng tan chảy. Những thay đổi thực sự rất lớn" - Harry Zekollari, tác giả chính và nhà nghiên cứu về băng hà tại ETH Zurich và Vrije Universiteit Brussel, cho biết.
Phần lớn trong số 200.000 sông băng trên thế giới cũng đang cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của sự nóng lên, trung bình tan chảy từ 3-6 feet (0,9-1,8m) mỗi năm.
Dự đoán dòng chảy tương lai của các sông băng
Chỉ tính toán lượng băng mất đi hằng năm của mỗi sông băng để dự đoán lượng băng còn lại sẽ không đưa ra được dự đoán chính xác.
Nhà nghiên cứu về sông băng Lizz Ultee tại Trung tâm Bay Không gian Goddard của NASA, cho biết: "Do cách chảy của các sông băng, các dòng sông phản ứng với khí hậu theo cách phi tuyến tính."
Để giải thích điều này, Zekollari và các đồng nghiệp đã sử dụng hai mô hình máy tính để mô phỏng các hiện tượng vật lý phức tạp về cách các sông băng di chuyển và thay đổi khối lượng.
Đầu tiên, họ “chạy” các mô hình trong những năm từ 2000 đến 2019, tinh chỉnh các thông số để phù hợp nhất với những thay đổi về khối lượng dự đoán với những thay đổi thực tế.
"Chúng tôi hiện có dữ liệu quan sát từ vệ tinh cho mọi sông băng trên thế giới. Chúng tôi dùng dữ liệu đó để hiệu chỉnh các mô hình của mình" - đồng tác giả và nhà thủy văn Rodrigo Aguayo đến từ Đại học Tự do Brussel cho biết.
Sau đó, nhóm nghiên cứu “chạy” mô phỏng cho đến cuối thế kỷ bằng cách sử dụng các kịch bản khí hậu dựa trên mức độ thế giới giảm phát thải khí nhà kính.
Kết quả cho thấy trên toàn cầu, từ khoảng 1/4 đến một nửa thể tích sông băng sẽ biến mất vào năm 2100, tùy thuộc vào mức độ ấm lên.
Zekollari cho biết: “Một số khu vực sẽ gần như không còn băng ngay cả khi nhiệt độ ấm lên ở mức hạn chế.” Những khu vực này bao gồm các sông băng nằm ở Tây Canada, Mỹ, Đông Nam Á và Trung Âu.
Điều gì xảy ra khi các sông băng biến mất?
Sự biến mất của các sông băng có thể gây ra tác động sâu sắc đến những người phụ thuộc vào sông băng để lấy nước. Aguayo lưu ý rằng tỷ lệ khối lượng băng bị mất đi không nhất thiết tương ứng với lượng nước cung cấp có thể bị giảm đi.
"Tình hình có thể còn tệ hơn" - ông nói, lưu ý rằng lượng nước tan chảy có thể giảm đáng kể trong thời kỳ khô hạn ở một số lưu vực nơi cộng đồng phụ thuộc vào nguồn nước này để uống.
Những người không sống gần sông băng cũng có thể bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao. Các sông băng trên thế giới giữ lại khoảng 1 feet (0,3m) mực nước biển dâng cao, và đã làm mực nước biển dâng thêm khoảng nửa inch (1,27cm) trong 20 năm qua.
"Có vẻ như không có gì đáng kể" - nhà nghiên cứu về băng hà Catherine Walker tại Viện Hải dương học Woods Hole, cho biết.
Nhưng bà nói thêm: “Nếu bạn bắt đầu nghĩ về thực tế vật lý tại một nơi có mực nước dâng do bão cao hơn 10 feet (hơn 3m), tôi nghĩ bạn sẽ không muốn có thêm một feet nước dâng do tất cả các sông băng tan chảy này nữa.”
Sự nóng lên tiếp tục sau năm 2100
Zekollari cho biết mặc dù nghiên cứu tập trung vào việc dự đoán đến cuối thế kỷ, nhưng các sông băng có thể mất nhiều thời gian hơn để “phản ứng hoàn toàn.”
Ông nói: “Rõ ràng là về lâu dài, chúng ta sẽ mất nhiều [sông băng] hơn nữa.”
Ultee chỉ ra rằng các vịnh hẹp ở Greenland đã cho thấy hàng trăm feet (hàng chục đến hàng trăm mét) băng tan gần đây. "Điều đó thật sự ghê gớm" - bà nói. Và ở những nơi khác, băng hà đã biến mất, để lại cảnh tượng hoang tàn với những mảnh đá vỡ.
“Các sông băng tồn tại qua hàng nghìn năm thông qua sự cân bằng tinh tế giữa tăng và giảm, nhưng những thay đổi cũng rất phi thường.”
“Sông băng không phải là đặc điểm cố định của cảnh quan” - Ultee nói. “Chúng có thể thay đổi rất nhanh theo ‘thang thời gian’ của con người và chúng ta có thể thấy điều đó đang xảy ra.”
Theo TTXVN