Các doanh nghiệp tạo “lá chắn” phòng, chống dịch bệnh

Thứ tư, ngày 09/06/2021

(BDO)  Không chỉ thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh (PCDB) Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nhanh chóng tuyển nhân viên y tế có trình độ chuyên môn vào làm việc để tổ chức PCDB một cách hiệu quả nhất.

 Nhiều DN tuyển thêm cán bộ y tế có chuyên môn, tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Trong ảnh: Nhân viên y tế Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam khám sức khỏe cho NLĐ tại công ty

 Thành lập phòng y tế có nghiệp vụ

Công ty Kurabe (Khu công nghiệp (KCN) VSIP 1, TP.Thuận An) là một trong những DN đi đầu trong công tác PCDB Covid-19 ngay từđầu năm 2020. Với số lượng công nhân lao động (CNLĐ) lên đến 3.000 người, việc bảo đảm sức khỏe cho CNLĐ, không để ảnh hưởng đến sản xuất luôn được công đoàn cơ sở cũng như lãnh đạo DN hết sức quan tâm. Anh Nguyễn Thành Ngữ, Chủ tịch Công đoàn Công ty Kurabe cho biết, việc tổ chức PCDB ở công ty không hề bị động. Ngay cả những ngày bình thường không xảy ra dịch bệnh, công ty vẫn tiến hành đo nhân nhiệt, thực hiện PCDB theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong 2 năm nay. Đợt dịch bệnh thứ 4 này, DN đã nhanh chóng lập Ban Chỉ đạo PCDB.

Theo đó, trong DN có 4 tổ PCDB ở 4 phân xưởng, gồm 22 người. Những thành viên trong tổ PCDB phải đến DN sớm hơn CNLĐ để thực hiện phân luồng, tạo khoảng cách, đo thân nhiệt... khi công nhân vào ca. Đến cuối ngày, lực lượng này về trễ hơn mọi người vì phải thực hiện thêm việc khử khuẩn một vài nơi cần thiết, trong đó có nhà ăn. Hiện DN đã có phòng y tế để khám bệnh cho CNLĐ và đã tăng số lượng lên 4 người, thay vì 2 người như trước đây. Những người này đều học ngành y, có trình độ chuyên môn và bằng cấp. Lực lượng y tế công ty liên tục kiểm tra trong giờ làm, nếu phát hiện có trường hợp liên quan bệnh đau sẽ xử lý kịp thời.

Tượng tự, Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN VSIP 1) cũng thực hiện PCDB một cách nghiêm ngặt. Mới đây, công ty thực hiện việc đo thân nhiệt bằng hệ thống điện tử, không để lực lượng ở các tổ PCDB tiếp xúc gần với CNLĐ; tăng cường nhân viên y tế là những người có nghiệp vụ chuyên môn. Tất cả CNLĐ phải cài đặt Bluezone. Các tổ lập nhóm Zalo để nhận thông tin triển khai từDN một cách nhanh nhất có thể.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện rất nhiều DN trong và ngoài KCN trên dịa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống PCDB rất tốt, theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cấp công đoàn cũng như công văn của UBND tỉnh. Điều này vừa bảo đảm “sức khỏe” cho các DN để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD); đồng thời bảo đảm an toàn PCDB trong CNLĐ, giúp họ an tâm lao động.

Linh hoạt áp dụng các phương án PCDB

Ngay từnhững ngày đầu tháng 5-2021, khi đợt dịch bệnh thứ 4 xảy ra, UBND tỉnh đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các DN trong và ngoài các KCN thực hiện nghiêm các phương án PCDB Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh giao Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các huyện, thị, thành phố xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống cụ thể khi phát hiện các ca F0, F1, F2, F3. Theo đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh phải thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện phương án PCDB Covid-19 ở các DN; thực hiện nghiêm kiểm tra y tế, yêu cầu công nhân khai báo y tế hàng ngày trước khi vào nhà máy, xí nghiệp; thực hiện giãn cách trong lao động, sản xuất và ăn uống sinh hoạt tại công ty, nhà máy. 

Vừa qua, Bộ Y tế đã có Quyết định số 2787/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn các phương án PCDB khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở SXKD, KCN. Ngay lập tức, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã triển khai phương án này đến tất cả các DN trú đóng trên địa bàn. Ông Lê Văn Hiếu, Chủ tịch LĐLĐ TP.Thuận An cho biết: “Sau khi nhận được hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh, chúng tôi đã triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế đến tất cả các DN. Qua đó, nếu có dịch bệnh xảy ra trong DN, đơn vị sẽ áp dụng hướng dẫn một cách linh hoạt nhất”.

Hướng dẫn nêu rõ: Khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 tại một DN cần kích hoạt ngay các phương án PCDB; quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở SXKD, KCN hoặc từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0) trên cơ sở tình hình thực tế; cách ly các trường hợp F0 tại chỗ tại cơ sở SXKD, KCN và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định; thông báo cho toàn thể người lao động (NLĐ) đang có mặt tại cơ sở SXKD, KCN; yêu cầu NLĐ nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó; không để xảy ra hoang mang, lo lắng với NLĐ.

Các đơn vị rà soát toàn bộ NLĐ trong cơ sở SXKD, KCN theo danh sách quản lý; khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2), tuyệt đối không để bỏ sót; thực hiện cách ly tập trung với tất cả các trường hợp F1 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú với các trường hợp F2. Trước khi đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, các đơn vị thực hiện phân nhóm theo vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc để bố trí cách ly y tế trong cùng khu với những trường hợp có cùng vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc.

Song song đó, các đơn vị lập danh sách NLĐ là F1, F2, các trường hợp khác không có mặt tại cơ sở SXKD, KCN tại thời điểm phong tỏa và gửi cho Sở Y tế, Trung tâm Y tế cấp huyện nơi NLĐ đang lưu trú để xử trí theo quy định; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế thông báo cho các đối tượng này ở yên tại nhà, nơi lưu trú, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp PCDB theo yêu cầu của cơ quan y tế. Các đơn vị phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho những NLĐ theo nguy cơ; đánh giá mối liên quan dịch tễ của các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc khác với khu vực có F0...

 QUANG TÁM