Các địa phương vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu trở lại trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất

Thứ tư, ngày 15/09/2021

(BDO) Chiều 15-9, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã chủ trì hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự hội nghị có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả phát triển KT-XH trong 8 tháng năm 2021, đối với vùng Đông Nam bộ, tổng thu ngân sách ước đạt 423.219 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 39,8% của cả nước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,978 tỷ USD, chiếm khoảng 36,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 33,8%. Đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài của vùng đạt 163,157 tỷ USD…

Năm 2022, vùng Đông Nam bộ phấn đấu tốc độ tăng GRDP 5 - 6,5%; GRDP bình quân đầu người khoảng 141,36 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn  hơn 572,4 ngàn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 115,89 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 96-97%…

Đối với tỉnh Bình Dương, 8 tháng năm 2021, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 45.355 tỷ đồng, tăng 16%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 22 tỷ 974 triệu USD, tăng 37,3%; thu hút đầu tư nước ngoài 1,671 tỷ USD, xếp thứ ba cả nước…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị, cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các địa phương vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu trở lại trạng thái bình thường mới với thời gian sớm nhất; hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay có tính kết nối, liên kết vùng; tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên thế giới; thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để phát triển các chuỗi giá trị; phát triển mạnh các loại dịch vụ…

Cùng với đó, các địa phương cần tập trung, cố gắng thúc đẩy giải ngân đạt kết quả cao hơn trong các tháng cuối năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động rất lớn tại các địa phương vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Ngọc Thanh