Các địa phương trong tỉnh nỗ lực phát triển đô thị - Kỳ 1

Thứ năm, ngày 29/09/2016

(BDO) Kỳ 1: TX.Dĩ An chú trọng phát triển hạ tầng giao thông

Thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị thị xã giai đoạn 2011-2016, tầm nhìn đến năm 2020, TX.Dĩ An đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá về các tiêu chí đô thị loại III vừa qua, TX.Dĩ An đã đạt 90,11 điểm. Để đạt các tiêu chí đô thị loại II trước năm 2019, TX.Dĩ An đang nỗ lực phát triển kết cấu, trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông.

Một góc đô thị Dĩ An hiện nay Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng

Trong 5 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TX.Dĩ An luôn được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và đô thị. Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội của thị xã đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị của thị xã ngày càng chặt chẽ và đi vào nề nếp. Hiện nay, thị xã đã đạt phần lớn các tiêu chí về xây dựng đô thị loại III. Điểm nhấn là nhiều dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm trên địa bàn thị xã đã và đang được đầu tư; Khu tái định cư Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Khu dân cư - dịch vụ - thương mại Tân Bình, Khu đô thị mới Bình Nguyên… được hình thành đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị Dĩ An, đồng thời tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 74 dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị, khu nhà ở tập trung với tổng diện tích đất 804,52 ha, cơ bản đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân. Trên địa bàn thị xã còn có nhiều dự án thuộc hạ tầng cấp nước, thoát nước đô thị đang được triển khai như Kênh T5A, Kênh T6, hệ thống thoát nước trục ngã 4 Chiêu Liêu - Cầu 4 trụ..., góp phần giải quyết cơ bản về thoát nước và hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn. Đối với hệ thống hạ tầng giao thông cũng được thị xã tập trung đầu tư kết nối tương đối hoàn chỉnh; trong khi đó các trục đường giao thông hướng ngoại, có tính liên kết vùng, phát triển kinh tế địa phương được thực hiện theo quy hoạch, kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh như các đường ĐT743b, Bắc Nam 3, Mỹ Phước - Tân Vạn… Cùng với đó, đến nay, tổng số tuyến đường thị xã quản lý được bê tông hóa, nhựa hóa là 48/48 tuyến, đã đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của người dân.

Đối với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, thời gian qua TX.Dĩ An đã chú trọng công tác dân vận trong việc tuyên truyền, vận động người dân cùng Nhà nước thực hiện thành công phong trào giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị, tự nguyện hiến đất, phá dỡ công trình, vật kiến trúc để làm đường giao thông. Kết quả cho thấy, các tuyến đường giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của thị xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa góp phần cải thiện đáng kể nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hoàn thiện hệ thống giao thông

TX.Dĩ An nằm giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh và TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Dĩ An cũng là một trong những trung tâm kinh tế, thương mại - dịch vụ và khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Bên cạnh đó, Dĩ An còn nằm trong khu vực đầu mối giao thông quan trọng, có đường bộ nối liền các trục quốc lộ chính như quốc lộ 1K, quốc lộ 1A, đường xuyên Á, có trục giao thông đường sắt Bắc - Nam đi qua… Hiện nay, việc đấu nối về giao thông đối ngoại giữa các khu vực trung tâm, khu - cụm công nghiệp với các đầu mối giao thông quan trọng còn nhiều hạn chế đã gây khó khăn nhất định cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội và đô thị của TX.Dĩ An.

Từ nay đến năm 2020, TX.Dĩ An tập trung đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các công trình giao thông, tuyến đường mang tính động lực, có tính liên kết vùng, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các khu vực trong và ngoài địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, thị xã chủ động, linh hoạt bố trí, sắp xếp vốn ngân sách địa phương, đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, từ tỉnh và các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển đô thị, nhất là các công trình trọng điểm, có tính tạo lực cao.

Tại buổi giám sát của HĐND tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đô thị TX.Dĩ An giai đoạn 2011-2016, tầm nhìn đến năm 2020 vừa qua, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An cho biết, hạ tầng giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đô thị. Ông Tân cho rằng, nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, đồng thời duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, lấy công nghiệp - dịch vụ làm mũi nhọn đột phá để tạo sự tăng tốc về nhịp độ tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển đô thị, cần thiết phải ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông - vận tải. UBND TX.Dĩ An đã gửi kiến nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải hỗ trợ, xem xét, thỏa thuận đầu tư phát triển một số đầu mối giao thông đối ngoại có tính chất liên kết vùng của thị xã. Cụ thể như điều chỉnh hướng tuyến, quy mô và đầu tư tuyến đường đại lộ Đông - Tây nối kết việc vận chuyển hàng hóa, hành khách, phát triển kinh tế giữa Bình Dương với các tỉnh, thành khu vực phía Nam; đầu tư nút giao cầu vượt Sóng Thần, định hướng đấu nối đại lộ Độc Lập thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần, quốc lộ 1A vào đường vành đai ngoài Bình Lợi - Tân Sơn Nhất (đường Vành đai 2). Cùng với đó, đấu nối đường ĐT743b về ngã tư Gò Dưa (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh), kết nối giao thông các khu - cụm công nghiệp của TX.Dĩ An, TX.Thuận An về quốc lộ 1A (đường xuyên Á) nhằm giảm áp lực giao thông lên nút giao cầu vượt Sóng Thần… Ông Tân khẳng định, khi các đầu mối giao thông này được thực hiện sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, mang lại diện mạo mới cho đô thị của thị xã.

Để thực hiện tốt việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, hoàn thành tiêu chuẩn về mật độ đường giao thông, trong thời gian tới, TX.Dĩ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, mở rộng, làm mới các tuyến đường theo quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời tập trung công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện đầu tư đúng thời gian, tiến độ. Thị xã tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách ưu tiên (đào tạo nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh, mặt bằng…), hỗ trợ đối với người dân thuộc diện phải di dời bàn giao mặt bằng thi công các công trình giao thông; cùng với đó quản lý chặt hành lang bảo vệ đường bộ, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng nhằm chuẩn bị sẵn quỹ đất để phát triển hệ thống giao thông, giảm thiểu chi phí đền bù giải tỏa sau này.

 

 Kỳ 2: TX.Tân Uyên nỗ lực hoàn thành sớm các tiêu chí đô thị loại III

 

 PHƯƠNG LÊ