Các địa phương tích cực triển khai phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi
(BDO) Dịch tả heo châu Phi đang có diễn biến phức tạp, tính đến nay dịch đã lan rộng và xuất hiện ở 17 tỉnh thành, tiêu hủy hơn 17.000 con heo. Để chủ động ngăn ngừa, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch. Tại huyện Bàu Bàng và Phú Giáo, chính quyền đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn huyện.
Bàu Bàng: Bảo đảm “vùng an toàn”
Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bàu Bàng, tính đến hết ngày 13-3, trên địa bàn huyện chưa phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi, đồng thời các dịch bệnh trên heo như tai xanh, lở mồm long móng đã được kiểm soát chặt, chưa có trường hợp xảy ra dịch bệnh.
Tại buổi làm việc với huyện Bàu Bàng, ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đề nghị, các chủ trang trại cần “tỉnh táo” trong việc lựa chọn nguồn giống để tái đàn. Đối với heo thịt trong thời điểm này, nếu đưa từ phía Bắc vào Bình Dương với mục đích giết mổ lấy thịt, làm nguyên liệu sản xuất, chăn nuôi sẽ được ngành chăn nuôi lấy mẫu để kiểm tra. Huyện cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình mua bán động vật trên địa bàn.
Người chăn nuôi ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng vệ sinh chuồng trại phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, huyện Bàu Bàng xác định đây là một trong những địa phương có hoạt động chăn nuôi lớn, vì vậy ngoài việc triển khai các kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, huyện cũng đã đề nghị các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện như Anova, Bio Pharmachimie, CP… hỗ trợ các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch và cung ứng các sản phẩm hỗ trợ để bảo đảm nguồn sản phẩm heo đạt tiêu chuẩn, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Huyện cũng yêu cầu các chủ trang trại, hộ chăn nuôi phải khai báo đến các cơ quan chức năng khi thấy đàn heo có các triệu chứng, biểu hiện đáng ngờ, bất thường mắc bệnh, kể cả heo sống và heo chết; tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình bảo đảm vệ sinh ở khu chăn nuôi và an toàn vệ sinh ở các chợ; tịch thu và tiêu hủy ngay thịt heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thời gian qua, nhiều thông tin trái chiều, sai sự thật về bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận. Các cơ quan chức năng cũng đã xử lý các thông tin sai sự thật. Do đó, công tác thông tin tuyên truyền về bệnh dịch tả heo châu Phi các cơ quan ở địa phương cần phối hợp, hỗ trợ ngành chăn nuôi để thông tin kịp thời, tránh các trường hợp đưa thông tin sai lệch.
Theo ông Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện Bàu Bàng nói riêng chưa có trường hợp bệnh dịch tả heo châu Phi nên công tác thông tin tuyên truyền là hết sức quan trọng. “Các địa phương cần phối hợp với ngành chăn nuôi, tùy theo tình hình của địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền phù hợp để người dân hiểu, người dân biết. Đồng thời, các xã có vùng giáp ranh và có các tuyến đường lớn giao thương với các địa phương khác như các xã Trừ Văn Thố, Hưng Hòa, Long Nguyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xây dựng kế hoạch ứng phó nếu tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp”, ông Thương nói.
Phú Giáo: Tái lập lại các chốt kiểm dịch tạm thời nếu dịch diễn biến phức tạp
Nguy cơ lây bệnh lớn nhất hiện nay đến từ các phương tiện vận chuyển heo đi qua địa bàn huyện Phú Giáo bằng tuyến đường ĐT741, nối các tỉnh miền Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên. Hiện nay giá heo hơi giữa các tỉnh phía Bắc với các tỉnh phía Nam đang chênh lệch nhau 10.000 đồng/kg nên dự báo khả năng có một lượng heo hơi từ phía Bắc vào phía Nam là rất cao. Trong khi hiện nay, tuyến đường này đã bỏ hết các chốt kiểm dịch động vật đối với các phương tiện vận chuyển đi qua, gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát dịch bệnh của địa phương.
Cơ quan chức năng huyện Phú Giáo tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn heo
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch tả heo châu Phi, huyện đã chỉ đạo các ngành và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh này. UBND huyện đã trực tiếp làm việc với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện thực hiện khẩn cấp việc tiêu độc, sát trùng, phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra tình hình bệnh trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh ngay từ khâu giết mổ, vận chuyển, buôn bán sản phẩm thịt heo; việc giết mổ phải bảo đảm theo quy định, không để phát sinh, diễn biến phức tạp. Ngành thú y cũng đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn đến từng trang trại, hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ để kiểm tra liên tục. Qua đó, kịp thời báo cáo với UBND huyện có những giải pháp xử lý. Đến thời điểm này, Phú Giáo đã thực hiện rất tốt công tác kiểm soát dịch tả heo châu Phi.
Huyện Phú Giáo hiện có 107 trang trại chăn nuôi heo, với hơn 210.000 con heo thịt và heo nái các loại; trong đó, heo thịt có hơn 203.000 con, heo nái hơn 10.000 con. Chăn nuôi nhỏ lẻ có hơn 22.000 con, gồm 20.000 con heo thịt và hơn 2.000 con heo nái. Nhằm chủ động ứng phó dịch tả heo châu Phi, UBND huyện Phú Giáo đã chỉ đạo ngành chức năng huyện tích cực thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ ngay từ người chăn nuôi. |
Ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ Phú Giáo, cho biết: HTX hiện có khoảng hơn 15.000 con heo các loại, trong đó heo nái khoảng 5.000 con và heo thịt khoảng hơn 10.000 con. Từ khi thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc, HTX đã có công văn hướng dẫn các thành viên triển khai thực hiện các phương án phòng bị, chủ động đối phó với bệnh dịch này như: Tổ chức tiêu độc, sát trùng chuồng trại mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều tối; rải vôi bột xung quanh chuồng trại, lối ra vào; vệ sinh chuồng trại đều đặn, hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào chuồng trại. Song song với đó, HTX cũng đã phối hợp với các thành viên tổ chức lựa chọn, lọc ra những loại thuốc sát trùng hiệu quả để phun xịt, hạn chế những thiệt hại. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng của heo bằng việc bổ sung thêm vitamin C và các chất điện giải vào thức ăn, tăng chất dinh dưỡng, duy trì chặt chẽ việc tiêm phòng tất cả các mũi vắc-xin theo quy định.
Những ngày này, cán bộ nhân viên ngành thú y huyện làm việc hết công suất, không có ngày nghỉ với tinh thần chống dịch như chống lửa. “Trạm sẽ tham mưu cho UBND huyện lập lại các chốt kiểm dịch tạm thời trên tuyến đường ĐT741, đoạn đi qua địa bàn huyện để kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật”, ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo nói.
Với sự chủ động, tích cực của chính quyền và ngành chức năng, cùng với ý thức của người dân hy vọng sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ và ngăn ngừa hiệu quả việc lây lan dịch tả heo châu Phi.
Nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi, Chính phủ đã đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra; đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại heo khác tại thời điểm có dịch bệnh. Chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có heo buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi heo; trong quá trình triển khai phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Ủy ban MTTQ các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.
KHÁNH ĐĂNG - HOÀI PHƯƠNG