Các địa phương sẵn sàng ứng phó cơn bão số 2
Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), hiện đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 7, mưa rất to kèm theo sấm chớp.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đảo Bạch Long Vỹ vận động các tàu có đủ điều kiện về đất liền tránh trú bão. Đối với các thuyền nhỏ, huyện tổ chức neo đậu chặt ở các bến; huy động cần cẩu, gầu múc đưa hết thuyền thúng nhỏ lên bờ, đồng thời đưa toàn bộ ngư dân của các thuyền vào nhà tránh trú trước 17h30’ ngày 22/6.
Tàu thuyền trên vịnh Hạ Long sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Ông Đào Trọng Tuệ - Phó Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đảo Bạch Long Vỹ cho biết: “Thực hiện phương châm 4 tại chỗ thì chúng tôi có thể đảm bảo được tương đối. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là ngư dân ở dưới tàu lên tương đối đông. Lương thực, thực phẩm chúng tôi chuẩn bị trước được, chỉ đáp ứng được ít ngày”.Tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) hiện trời mới bắt đầu mưa nhỏ, gió mạnh cấp 5, cấp 6. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đảo Cô Tô đã phân công các thành viên xuống tận từng cơ sở kiểm tra, đốc thúc công tác phòng chống cơn bão số 2, tuyên truyền cho người dân biết tình hình cơn bão để chủ động chằng chống nhà cửa.
Các lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ trên đảo cũng sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi bão đổ bộ.
Thượng tá Nguyễn Mộng Điệp - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Cô Tô - Phó Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện cho biết: “Hiện 100% các phương tiện đã được chúng tôi bố trí vào nơi tránh trú an toàn. Chúng tôi cũng triển khai các lực lượng an ninh, công an bảo đảm trật tự trị an ở các khu neo đậu, trú tránh tàu, thuyền. Các lực lượng cơ động, vũ trang và dân quân tự vệ sẵn sàng khi có các tình huống bất ngờ”.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến trưa nay, đã thông tin cho 3.835 phương tiện, lồng bè với khoảng 11.500 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão chỉ đạo các Hạt Quản lý đê điều phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát những vị trí đê điều xung yếu, ứng trực sẵn sàng xuất cấp vật tư dự trữ và tham mưu xử lý sự cố đê điều.
Do là mùa du lịch nên lượng khách đến Hải Phòng và Quảng Ninh khá đông. Thực hiện Công điện của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương về đảm bảo an toàn cho du khách, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã có nhiều biện pháp kêu gọi tàu thuyền du lịch vào bờ.
Cảng vụ Quảng Ninh cho biết, đến 14h chiều nay, 450 tàu du lịch đã di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn. Thực hiện Công điện của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, trong sáng nay Cảng vụ đã thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến và hướng đi của cơn bão để có phương án đối phó. Đồng thời, yêu cầu các chủ phương tiện, thuyền trưởng thông báo và liên lạc thường xuyên với cơ quan chức năng và cảng vụ để đảm bảo an toàn chung.
Do đang là mùa du lịch nên số lượng khách du lịch đến Cát Bà, thuộc huyện Cát Hải, TP Hải Phòng khá đông, huyện đã thông báo cho các chủ tàu và khách du lịch vào nơi tránh trú bão an toàn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Cát Hải cho biết: Hiện có 5.400 khách du lịch ở huyện đảo, nhưng tất cả đều an toàn. Có những du khách đang trên đường đến Cát Hải cũng đã quay trở lại và hủy tour.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến trưa nay có hơn 370 phương tiện với hơn 2.500 lao động đã vào bờ tránh bão an toàn. Trước diễn biến của cơn bão số 2, tối hôm qua (21/6), Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các Đồn biên phòng tuyến biển như Phong Điền; cửa khẩu Chân Mây và Hải đội 2 tại thị trấn Thuận An tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão; đồng thời thông báo cho tàu thuyền không được ra khơi khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.
Thượng tá Lê Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng Tham mưu Tác chiến-Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: "Đến giờ phút này chúng tôi đã đình chỉ tất cả các hoạt động đi biển của ngư dân. Hiện nay đang có 35 phương tiện và 117 lao động hoạt động đánh bắt xa bờ đang còn trên biển, số phương tiện này hoạt động từ vùng biển tiếp giáp thành phố Đà Nẵng đến vùng tiếp giáp đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị cách bờ từ 35 đến 36 hải lý. Số phương tiện này hiện nay chúng tôi đã liên lạc được và đang hướng dẫn cho bà con vào bờ trú ẩn.”
Còn tại tỉnh Quảng Bình đến chiều nay (22/6), chỉ còn 63 tàu cá với gần 500 ngư dân đang đánh bắt trên biển. Hiện, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện này để hướng dẫn hướng di chuyển, tránh khỏi vùng ảnh hưởng của cơn bão. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình phối hợp với các địa phương nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt.
Trung úy Đình Tuấn Thanh, Trợ lý tác chiến, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đối với biên phòng, chúng tôi duy trì chế độ trực 24/24, chỉ đạo tất cả các đơn vị tuyến biển bằng mọi kênh thông tin là liên lạc báo cho tàu thuyền đang đánh ngoài khơi tìm nơi trú ẩn an toàn. Hiện nay toàn tỉnh Quảng Bình, tàu thuyền cơ bản đã vào bờ và trú ẩn an toàn. Hiện nay còn 63 tàu đang trên đường vào bờ. Chúng tôi sẽ kết hợp giữa chính quyền và nhân dân để ứng cứu khi có tình huống xảy ra”.
Theo VOV